Chiều 25-6, sau khi nghe báo cáo, thẩm tra các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về nội dung này.
Báo cáo trước QH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay tổng kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế ba năm 2024-2026 tăng thêm 913.000 tỉ đồng.
Cần bám sát Nghị quyết 27
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) nhìn nhận việc tăng lương là niềm vui, có mang ý nghĩa to lớn với cán bộ, công chức. Dù vậy, ông cho rằng việc này chưa bám sát Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.
Nghị quyết Trung ương yêu cầu cơ quan thống kê Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm, vậy nhưng theo ĐB Nhân, đến nay chúng ta chưa công bố và cũng không có số liệu về mức sống tối thiểu của Việt Nam hiện là bao nhiêu. Điều này dẫn đến chưa có cơ sở xác định lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu.
“Chính phủ cần làm rõ đề án nâng lương lần này có đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương hay chưa. Lý do vì sao năm năm qua vẫn không công bố số liệu về mức sống tối thiểu” - ĐB Nhân nói và khẳng định đây mới là gốc của vấn đề.
Còn ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nói ông rất kỳ vọng việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tuy nhiên “bất ngờ” là từ ngày 1-7 vẫn chưa thực hiện được mà chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở.
Đồng ý với giải trình của Chính phủ về việc thực hiện phải có lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn và đảm bảo tính khả thi… nhưng ông Ngân cũng mong sớm triển khai, áp dụng đề án cải cách tiền lương.
“Điều này sẽ giúp khắc phục được nhược điểm như mức lương chưa phản ánh đúng vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và còn mang tính bình quân…” - ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh và khẳng định việc này sẽ giúp xóa bớt các loại phụ cấp, khoản thu nhập ngoài lương không cần thiết.
ĐB Ngân cũng chia sẻ những lo ngại về vấn đề nếu không kiểm soát tốt giá cả thì việc tăng lương sẽ không còn ý nghĩa. Ông nhìn nhận đây là lo ngại đúng, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo rất kịp thời nhằm đảm bảo việc kiểm soát giá cả.
Từng bước chắc chắn, khả thi
ĐB Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) cho rằng hai yêu cầu rất lớn của Nghị quyết 27 là bỏ lương cơ sở và chế độ thang bảng lương nhưng hiện chưa bỏ được.
Căn cứ vào điều kiện kinh tế của đất nước, ông Thắng nói mức tăng lương cơ sở lên 30% là “rất đúng”. Ông cũng lưu ý cần kiểm soát tăng giá sau khi lương tăng vì “không cẩn thận tỉ lệ tăng giá nó lại vượt hơn tỉ lệ tăng lương, không cải thiện, tạo được động lực gì”.
ĐB Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng để thực hiện mục tiêu cao nhất của tăng lương lần này là cải thiện đời sống, tạo động lực năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội… thì cần có nhiều giải pháp.
Trước tiên, cần hạn chế tác động của việc tăng lương đến giá cả, vì nếu lương tăng mà giá tăng thì ý nghĩa của tăng lương giảm đi nhiều. “Tôi đề nghị Chính phủ xem xét đánh giá các tác động như các lần tăng lương trước, nhất là các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát thì phải quan tâm thêm” - ông Nam nói.
Theo ông Nam, Luật Giá phải được thực hiện nghiêm để tránh đầu cơ, trục lợi, đồng thời có chính sách để kiểm soát giá cả. “Kiểm soát được giá cả để người lao động có thể mua được nhiều hàng hóa hơn, giúp cải thiện đời sống” - ông Nam nói.
ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nói phương án tăng lương cơ sở lần này được “đông đảo ĐBQH cũng như dư luận đồng tình ủng hộ”. Dù vậy, ông cũng lo ngại việc tăng lương lần này cũng dẫn tới nguy cơ lạm phát rất cao.
“Theo báo cáo của Chính phủ thì lạm phát sẽ tăng 0,71%. Tất nhiên cung tiền sẽ tạo ra cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tính toán là tăng 0,2 % điểm tăng trưởng mỗi năm. Lực cầu này giúp tăng trưởng sản xuất của nền kinh tế nhưng cũng làm gia tăng nguy cơ lạm phát, mất giá của đồng tiền” - ông Lâm nói và kiến nghị Chính phủ phải có các giải pháp đồng bộ chống lạm phát.
Chung quan điểm, ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nhận xét tăng lương cơ sở lần này đã bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp, giúp giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho nhân dân trong quá trình phát triển.•
Tác động trực tiếp tới nhiều đối tượng
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định cải cách tiền lương là một vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và liên quan trực tiếp đối với gần chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công.
Việc này cũng tác động trực tiếp tới khoảng 5-10 triệu đối tượng thực hiện các chính sách xã hội hiện nay, gắn với mức lương cơ sở và cũng tác động trực tiếp gần 15.000 người lao động trong các doanh nghiệp.
Do vậy khi triển khai chính sách này, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, bài bản, khoa học. Đặc biệt, đánh giá rất nhiều chiều tác động liên quan khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo đúng nội dung của Nghị quyết 27.
Trong khung của quan hệ tiền lương cùng với nguyên tắc thiết kế cụ thể cho từng bảng lương theo Nghị quyết 27 đã phát sinh bất cập lớn. Lớn nhất là tương quan của tất cả đối tượng không đảm bảo được sự công bằng, hợp lý, hài hòa.
“Đối tượng thì được tăng cao trên 30%, đối tượng thì tăng dưới 5%-7%-15% nhưng rất nhiều đối tượng tăng thấp hơn so với lương hiện hưởng. Đặc biệt, bảng lương đối với chức vụ và chức danh lãnh đạo. Đây là phát sinh lớn nhất” - bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.
Thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý phải hết sức coi trọng đến việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. “Rõ đến đâu chúng ta làm đến đấy, những gì khó khăn, vướng mắc bất cập tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội để đảm bảo được ổn định, đảm bảo không xáo trộn” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.