Đại biểu HĐND sốt ruột về tình trạng lãng phí tài sản công của TP.HCM

(PLO)- Đề cập tới câu chuyện chống lãng phí, các đại biểu HĐND TP.HCM nói về sự bất cập trong quản lý tài sản công, nhà đất công.

Chiều 9-12, trong khuôn khổ kỳ họp cuối năm, HĐND TP.HCM khóa X, các đại biểu đã thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng. Đáng chú ý, vấn đề chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, nhà đất công được đại biểu quan tâm.

Đại biểu HĐND TP.HCM trong phiên thảo luận tổ. Ảnh: THUẬN VĂN

Các quận đồng loạt lên tiếng về tình trạng lãng phí nhà, đất công

Ông Dương Anh Đức, Bí thư quận 1, cho rằng có lẽ TP đang tự làm khó mình. Trong quá trình quản lý đất đai, tài sản công có những điều còn bất cập.

“Có một số doanh nghiệp của TP muốn trả lại những phần đất họ quản lý vì không dùng hiệu quả, phải đóng thuế; họ chờ năm này sang năm khác vẫn không trả được. Ngược lại, có những nơi mà nhà nước, chính quyền muốn thu hồi lại thì họ lại không chịu 'nhả ra'. Việc này liên quan đến mức độ hiệu lực của các quy định pháp lý” - ông Đức nói.

Nêu thực tế tại địa bàn, Bí thư quận 1 cho biết như trường hợp Công ty dịch vụ công ích quận 1 dù đã hết thời hạn thuê nhưng không chịu trả mặt bằng, buộc phải đưa ra tòa, tốn rất nhiều thời gian. Lợi dụng thời gian đó, họ trục lợi, cho thuê lại để lấy tiền trong khi nhà nước không nhận được lợi ích gì. Địa phương lại bị phê bình và kỷ luật.

“UBND TP cần rà soát lại những quy định, có cơ chế, quy trình làm sao để siết chặt vấn đề này. Tôi cũng cho rằng phải quản lý bằng công nghệ thông tin, tạo cơ sở dữ liệu… để quản lý, khai thác các nguồn lực về đất đai một cách hiệu quả nhất” - ông Đức nêu.

Ông Dương Anh Đức, Bí thư quận 1 nói về bất cập trong quản lý nhà đất công. Ảnh: THUẬN VĂN

Bí thư quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp thì nhìn nhận việc khai thác nguồn lực đất đai trong nhiều năm qua, TP đều có giải pháp nhưng thực hiện chưa hiệu quả.

Ông Điệp nói hơn một năm trước, quận Bình Tân đã rà soát tổng quỹ đất trên địa bàn và kiến nghị TP xem xét thu hồi các khu đất do tổng công ty, doanh nghiệp thuộc TP quản lý khai thác không hiệu quả, có nơi chỉ để làm bãi giữ xe.

“Chúng tôi cũng kiến nghị thu hồi 5 khu đất để thực hiện nhiệm vụ khác. Chủ tịch UBND TP đã kiến nghị nhưng đến nay các thủ tục triển khai liên quan còn chậm, hơn một năm mà chỉ mới triển khai được 1/5 khu đất mà chúng tôi đề xuất là rất lãng phí”- ông Điệp nói.

Cũng theo ông Điệp, từ đầu nhiệm kỳ TP đã triển khai xây dựng đề án số hóa, quản lý nhà, đất công trên địa bàn nhưng đến nay chưa thấy kết quả cụ thể. “Chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số nhưng không quản lý được nhà công, đất công như vậy thì rất đáng quan tâm” - ông Điệp nêu ý kiến.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Huỳnh Thanh Hùng cho rằng các dự án hiện nay triển khai, dù đã hết thời gian thực hiện theo quy định trước đó nhưng vẫn chưa hoàn thành. Như dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP hay dự án Vành đai 2 (đoạn Phạm Văn Đồng- Gò Dưa chỉ khoảng 2,7 km nhưng kéo dài nhiều năm qua; dự án tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh với 45 block chung cư nhưng đầu tư xong thì bỏ trống, hạ tầng xuống cấp…

“TP.HCM cần đánh giá lại hiệu quả thực hành chống lãng phí trong chi thường xuyên, đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước” - ông Hùng nêu.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cũng quan tâm về quỹ đất xây trường học. Ảnh: THUẬN VĂN

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết hiện TP.HCM có hơn 80% là trường mầm non ngoài công lập. Nhu cầu về đất đai để xây dựng trường học tại TP.HCM là rất lớn, trong đó có các sơ sở trường học nằm trong khu chung cư. Vì vậy, TP.HCM cần rà soát lại quy hoạch, các khu đất để đầu tư, xây dựng trường.

TP.HCM vẫn đang xây dựng hệ thống quản lý tài sản công

Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Trần Mai Phương cho hay Sở đã yêu cầu các đơn vị rà soát và báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là những tài sản không còn nhu cầu sử dụng, tổng hợp báo cáo về UBND TP.HCM.

Liên quan đến Đề án 167 về sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Sở Tài chính đang phối hợp Trường Đại học Kinh tế - Luật và các bên liên quan để triển khai. Hiện tại, 5 trong số 12 chuyên đề của đề án đã được hoàn thiện và các bên đang hoàn thiện bảy đề án còn lại. Sở Tài chính sẽ báo cáo UBND TP.HCM vào cuối năm nay.

Theo bà Phương, mục tiêu của đề án là xây dựng một hệ thống quản lý tổng thể về tài sản công trên địa bàn TP, bao gồm việc số hóa dữ liệu để tăng cường hiệu quả quản lý và khai thác nhà, đất công.

TP.HCM đã thu hồi 339 địa chỉ nhà, đất công với diện tích hơn 1,2 triệu m2

Theo báo cáo của UBND TP.HCM về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, công tác quản lý, sử dụng nhà, đất công trên địa bàn TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Từ đầu năm 2024, Sở Tài chính TP.HCM đã trình UBND TP.HCM và Bộ Tài chính phê duyệt phương án xử lý 12.915 địa chỉ nhà, đất. Trong đó, khối TP có 10.853 địa chỉ và khối Trung ương có 2.062 địa chỉ.

Đến nay, TP.HCM đã xử lý thu hồi 339 địa chỉ nhà, đất với tổng diện tích 1.206.839 m2. Cụ thể, 91 địa chỉ (333.255 m²) được chuyển giao cho UBND các quận, huyện để thực hiện các công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh, bệnh viện và trường học.

172 địa chỉ (623.140m²) được chuyển giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập để làm trụ sở làm việc, đặc biệt ưu tiên các cơ quan chưa có trụ sở hoặc mới thành lập.

65 địa chỉ (206.389m²) được thu hồi để bán đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 11 địa chỉ (44.055m²) được sử dụng làm quỹ đất thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) cho các dự án hạ tầng khi được UBND TP.HCM phê duyệt nhà đầu tư.

Song song đó, việc thẩm tra quyết toán các dự án đầu tư công cũng giúp tiết kiệm đáng kể cho ngân sách. Năm 2024, TP.HCM đã thẩm tra quyết toán 81 dự án với tổng mức đầu tư gần 5.773 tỉ đồng, tiết kiệm được 30,969 tỉ đồng so với giá trị do chủ đầu tư đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới