Sáng 24-10, HĐND TP.HCM giám sát việc thực hiện triển khai chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội” đối với Sở Tài chính, Sở Công Thương, Cục Thuế và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước.
Tại buổi giám sát, đề án quản lý tài sản nhà đất công do Sở Tài chính phụ trách được các đại biểu (ĐB) quan tâm.
ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, cho rằng tiến độ thực hiện đề án quản lý tài sản nhà đất công đang khá chậm. Theo ĐB Ngọc, việc chưa quản lý, quản lý chưa đầy đủ cũng như chưa sử dụng hiệu quả tài sản công dẫn đến lãng phí. Bà đề nghị Sở Tài chính cần đánh giá việc này và cần tăng cường chuyển đổi số để quản lý nguồn lực tài sản công.
ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, cho biết nhiều tỉnh, thành đã thực hiện hiệu quả quản lý nhà đất công song tới giờ này Sở Tài chính còn loay hoay với đề án là chậm trễ. “Chúng ta chỉ mới xong đề án, còn sản phẩm chưa có thì chậm quá” - ĐB Hiếu đánh giá.
Trao đổi về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải, cho biết hiện nay toàn TP.HCM có hơn 12.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công cần sắp xếp với khối lượng hồ sơ khổng lồ.
Theo ông Hải, từ năm 2022, đã có một đề án quản lý tài sản công do Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) làm tư vấn, Sở Tài chính làm chủ nhiệm. Đến tháng 7-2024 thì thực hiện hoàn thành 4/12 chuyên đề.
“Tháng 8-2024, tôi kiểm tra tiến độ triển khai thì vẫn 4/12 chuyên đề, tháng 9 cũng 4/12 chuyên đề, tôi bức xúc quá” – ông Hải chia sẻ và cho biết sau khi làm việc lại với Đại học Kinh tế - Luật, đã phát hiện có nhiều lý do chậm trễ.
Một trong những nguyên nhân là chưa có kinh phí thực hiện đề án, chưa kể giai đoạn 2022-2023, lãnh đạo Sở Tài chính có biến động khi có sự thay đổi giám đốc Sở.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, TP.HCM có tham khảo cách làm của các tỉnh nhưng cách làm này không giống với TP.HCM. Ông thông tin TP.HCM đưa ra 12 chuyên đề để đánh giá, phân loại, phân nhóm, chẳng hạn như nhóm các tài sản trước năm 1975 để lại, tài sản xử lý đôi dư, tài sản đã giao cho Công ty quản lý kinh doanh nhà, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn, Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng,...
"Rất nhiều tài sản công cần đánh giá, phân nhóm, khuyến nghị đối xử với từng nhóm tài sản” – ông Hải nói và cho biết với cách làm này thì không học tập các tỉnh được.
Cũng theo giám đốc Sở Tài chính, dự kiến ngày mai (25-10), Trường Đại học Kinh tế - Luật sẽ báo cáo kết quả của 12 chuyên đề thuộc đề án quản lý tài sản công.
Đối với kinh phí thực hiện đề án, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết hiện có sáu doanh nghiệp được vận động xã hội hóa. Đây là những đơn vị sẽ sử dụng sản phẩm của đề án nên đồng ý tài trợ vốn. "Sáng mai, tôi sẽ gặp các doanh nghiệp này và để doanh nghiệp ký xác nhận, ký cam kết tài trợ vốn" - ông Hải thông tin.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết Sở Tài chính đang phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số, Sở QH-KT, Trung tâm Lưu trữ quốc gia để thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ nhà đất công qua ba công đoạn. Trong đó phải trải qua công đoạn chuyển hóa dữ liệu giấy dài 300 m thành dữ liệu điện tử và sẽ còn khoảng 100 m.
Hàng tuần, Sở Tài chính có báo cáo UBND TP.HCM để tháo gỡ và trung bình tháo gỡ khoảng 5-7 địa chỉ/ tuần. “Tuy nhiên, chúng ta có tới hơn 12.000 địa chỉ, nếu không số hóa mà cứ họp như vậy hoài thì không gỡ nhanh được” – ông Hải nói.
Tài sản nhỏ nhưng xử lý khó khăn
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên nhìn nhận nhiều nơi vẫn đang lãng phí tài sản công trong khi TP.HCM đang thiếu nguồn thu.
Ông cho biết có nhiều tài sản tuy nhỏ nhưng đưa vào xử lý rất khó khăn. Dẫn chứng, ông Kiên nói khi giải tỏa để xây dựng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn phần đất dôi dư sau khi giải tỏa nhưng chưa giải quyết được.
Ông đề nghị xây dựng phần mềm quản lý và xem tài sản nào có thể giải quyết ngay thì sớm đề xuất.