Chiều 23-2, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị chuyên đề về thực trạng, kinh nghiệm và cách làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.
Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng nhà, đất công đã vào nề nếp, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục.
Còn nhiều hạn chế trong quản lý nhà, đất công
Theo báo cáo của UBKT Thành ủy, TP hiện đang quản lý 9.295 địa chỉ nhà, đất do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi điều chỉnh theo Nghị định 167/2019 của Chính phủ.
Từ năm 2020 đến 2023, Thanh tra TP đã tổ chức 18 đoàn thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.
Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi khoảng 404 tỉ đồng nộp ngân sách từ việc cho thuê nhà, đất; thu hồi chín mặt bằng và một giấy chứng nhận đầu tư. Chấm dứt việc cho thuê không đúng mục đích và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân đơn vị có liên quan để xảy ra sai phạm qua các thời kỳ.
Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TP.HCM Dương Ngọc Hải đánh giá việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã huy động nguồn lực to lớn bổ sung nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển. Qua đó, góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Theo ông Hải, công tác kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất và tài sản gắn liền với đất tại một số địa phương, đơn vị chưa đúng quy định, chưa hiệu quả, chưa chặt chẽ, chưa thống nhất và đồng bộ. Vẫn còn tình trạng bỏ sót, kê khai thiếu, không đúng thực tế, không có địa chỉ rõ ràng, không nêu rõ thực trạng.
Nhà, đất thiếu hồ sơ pháp lý, chưa xác lập sở hữu, cán bộ được phân công phụ trách không nắm chắc địa bàn, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa tích cực phối hợp xác định nguồn gốc pháp lý nhà, đất để thu hồi; vẫn còn tình trạng sử dụng nhà, đất không đúng mục đích, bị lấn chiếm, chiếm dụng…
Ông Hải chỉ rõ: Có trường hợp người thuê dùng thủ đoạn làm giả giấy tờ, chuyển tài sản từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân, chiếm đoạt tài sản nhà nước bằng những thủ đoạn gian dối. Vẫn còn những trường hợp nợ tiền thuê nhà trong nhiều tháng nhưng không có giải pháp thu hồi, không kiểm tra, rà soát tính pháp lý để xử lý theo đúng quy định. Còn nhiều nhà, đất để trống, gây lãng phí.
Theo ông Hải, người đứng đầu một số cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 24, chưa quyết liệt trong chấn chỉnh và chưa tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.
“Chủ tịch UBND TP.HCM cũng lưu ý với các tài sản công có liên quan trong các vụ việc, vụ án thì các cơ quan tư pháp cần sớm có kết luận để có hướng quản lý, sử dụng tài sản này hiệu quả.”
Tăng cường quản lý để khai thác tốt nguồn lực lớn từ nhà, đất công
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói số địa chỉ nhà, đất công mà TP.HCM đang quản lý rất lớn. Nếu khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực giúp triển khai phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng TP đã gặp khó trong việc quản lý dẫn đến thất thoát nguồn lực.
Ông Mãi cho rằng TP chưa số hóa được tất cả địa chỉ nhà, đất công để quản lý hiệu quả hơn. Còn nhiều bất cập, chồng chéo trong việc quản lý trên sổ sách, giấy tờ và thực tiễn… TP cũng chưa phân nhóm để quản lý, sử dụng hợp lý xem cái nào nên bán, cái nào đầu tư khai thác, cái nào dùng để phát triển mới…
Theo ông Mãi, trước hết cần tăng trách nhiệm của Ban cán sự Đảng UBND TP, ban thường vụ quận, huyện ủy, Thành ủy TP Thủ Đức cấp ủy lãnh đạo của các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, cần củng cố, tăng cường trách nhiệm của các tổ công tác thực hiện Chỉ thị 24.
“Trong sáu tháng đầu năm 2024 phải xác lập hết những công việc cấp TP phải làm, cấp quận, huyện phải làm. Đến năm 2025 dứt điểm các yêu cầu theo Chỉ thị 24” - ông Phan Văn Mãi yêu cầu.
Ông Mãi yêu cầu Sở Tài chính đẩy nhanh việc xây dựng phần mềm để số hóa toàn bộ dữ liệu về các địa chỉ nhà, đất gắn với giải quyết dứt điểm bất cập có trên giấy tờ…
TP sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc phát sinh chủ yếu về pháp lý. Khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn quy trình, quy định chuyển giao tài sản, tiếp nhận tài sản, đấu giá, quản lý, đầu tư phát triển mới… Với những vấn đề chưa có trong quy định hay chồng chéo, ông Phan Văn Mãi khuyến khích đội ngũ cần vận dụng Kết luận 14 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để gỡ vướng…
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng lưu ý với các tài sản công có liên quan trong các vụ việc, vụ án thì các cơ quan tư pháp cần sớm có kết luận để có hướng quản lý, sử dụng tài sản này hiệu quả.•
Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm
Để không xảy ra những hạn chế, thiếu sót, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP, ông Dương Ngọc Hải đề nghị: Cấp ủy và UBKT các cấp phải xem công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về nội dung này là nhiệm vụ thường xuyên. Quá trình thực hiện phải luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, của cấp ủy cùng cấp và ủy ban kiểm tra cấp trên.
Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 24 và công tác quản lý, sử dụng nhà, đất, tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên để phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, các trường hợp có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.