GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

Đại biểu phải tâm huyết và “đeo bám” vấn đề

Tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, TP miền Đông Nam Bộ lần thứ nhất vào tuần trước, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc nâng cao chất lượng tiếp xúc và giải quyết kiến nghị của cử tri.

Tiếp xúc cử tri còn nặng hình thức

Có một thực tế là “phương thức tiếp xúc cử tri (TXCT) của chúng ta vẫn nặng về hình thức và gần đây lượng cử tri đến tiếp xúc với đại biểu HĐND ngày càng ít đi, có nơi phải dùng biện pháp hành chính để huy động cử tri đi tiếp xúc với đại biểu. Điều đó chứng tỏ rằng tính hấp dẫn của những cuộc TXCT này không cao” - Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Lâm Đồng Đặng Đình Mùi cho hay. Theo ông Mùi, ý kiến cử tri chủ yếu rơi vào những bức xúc cụ thể tại địa bàn phường, xã mà không rơi vào tầm phải giải quyết hay phát triển kinh tế-xã hội của cấp tỉnh.

Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng cho rằng có một hạn chế hiện nay là “hình thức TXCT còn đơn điệu, chưa sâu rộng, chủ yếu tổ chức theo kiểu truyền thống là hội nghị. Thời gian tiếp xúc ngắn nên số lượt cử tri và lượng thông tin trao đổi với đại biểu chưa nhiều. Năng lực, trình độ của một số đại biểu chưa theo kịp với yêu cầu do thiếu thông tin, kỹ năng TXCT còn hạn chế, phương pháp, cách ứng xử trong đối thoại với cử tri, nhất là những vấn đề bức xúc thường lúng túng, bị động. Tham dự tiếp xúc chủ yếu là cử tri “chuyên nghiệp”, chưa đa dạng thành phần, nhất là người trực tiếp lao động…”.

Giải quyết kiến nghị cử tri là góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở địa phương. Trong ảnh: Cử tri quận Bình Tân (TP.HCM) kiến nghị về tình trạng sử dụng nước sạch. Ảnh: N.NAM

Đại biểu mới chỉ là kênh chuyển

Trong khi chất lượng các cuộc TXCT chưa cao thì việc giải quyết các kiến nghị của cử tri cũng ở tình trạng tương tự. Chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 5 do Thường trực HĐND TP.HCM vừa tổ chức với chủ đề “Giải quyết kiến nghị cử tri” cho thấy tỉ lệ giải quyết kiến nghị cử tri của TP mới đạt khoảng 80%. Báo cáo tại Hội nghị Thường trực HĐND, đại diện HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tỉ lệ này của tỉnh cũng chỉ đạt khoảng 85%. Tại Bình Phước, có khoảng 40% kiến nghị cử tri được giải quyết dứt điểm ngay, hơn 44% đã giải quyết cơ bản.

Về thực trạng việc giải quyết kiến nghị cử tri, Trưởng ban Pháp chế - HĐND tỉnh Lâm Đồng Đặng Đình Mùi cho rằng: “Chúng ta chỉ làm nhiệm vụ là kênh chuyển, tất nhiên trước khi chuyển thì chúng ta đã thẩm định, xử lý thông tin đó. Nhưng chúng ta cũng chỉ có quyền kiến nghị, còn giải quyết hay không là việc của người ta!”. Qua đó, ông Mùi cho rằng hoạt động giải quyết kiến nghị cử tri không thể tách rời với hoạt động giám sát. Như vậy hoạt động giám sát phải thực sự có hiệu quả, tức là các kiến nghị của đoàn giám sát phải được cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý đúng đắn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước, cho biết tình trạng kiến nghị cử tri được lặp đi lặp lại nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc mà chưa giải quyết triệt để vẫn còn ở một số nơi, nhất là các ý kiến liên quan đến đất đai. Việc trả lời của cơ quan chức năng còn chưa thể hiện rõ trách nhiệm, viện dẫn lý do chung chung, chưa trả lời trực tiếp vào kiến nghị của cử tri. Cạnh đó, cũng chưa có cơ chế phối hợp trả lời giữa những cơ quan chức năng có kiến nghị liên quan đến nhau…

Việc trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan chức năng, theo đại diện HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có những nội dung trả lời còn chung chung hoặc chỉ hứa sẽ xem xét, giải quyết nhưng chưa có lộ trình, thời gian giải quyết nên cử tri cũng thiếu tin tưởng.

Phải giám sát đến cùng

Để hoạt động TXCT và giải quyết kiến nghị cử tri ngày càng được nâng cao, đại diện HĐND tỉnh Tây Ninh cho rằng cần phân công cụ thể trách nhiệm cho từng đại biểu trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của từng cơ quan, tổ chức. Với cách làm này, đại biểu sẽ năng động hơn và chuyên tâm tìm hiểu sâu hơn vấn đề mà cử tri kiến nghị, phản ánh để có cơ sở đôn đốc, theo dõi việc giải quyết. Nếu chưa thỏa mãn, chưa nhất trí với trả lời của các cơ quan chức năng, các đại biểu sẽ trực tiếp “đeo bám” vấn đề hoặc có thể đưa ra chất vấn ở kỳ họp. Ngoài ra, trước khi đi TXCT thì Thường trực HĐND phải chuẩn bị thật tốt việc cung cấp thông tin đại biểu.

Cùng quan điểm này, ông Trần Đình Khoa cũng cho rằng khi chuyển kiến nghị cử tri yêu cầu UBND tỉnh giải quyết thì cần quy định thời gian cụ thể. Đối với những ý kiến giải trình sơ sài, chưa rõ ràng thì HĐND yêu cầu giải trình lại đến khi nào đạt yêu cầu, đúng quy định pháp luật. Vấn đề nào mà cơ quan chức năng trả lời nhiều lần vẫn chưa đạt yêu cầu thì HĐND tỉnh sẽ quyết định đưa ra chất vấn tại kỳ họp, cần thiết thì ban hành nghị quyết buộc phải thực hiện.

“Quốc hội cần sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND và quy định các biện pháp chế tài đầy đủ, rõ ràng khi các cơ quan chức năng không hoặc chậm thực hiện kiến nghị của HĐND. Bởi vì chỉ khi có công cụ pháp luật rõ ràng, vai trò của cơ quan quyền lực của HĐND tại địa phương mới thực sự là cơ quan đại diện cho cử tri và nhân dân, làm tốt nhiệm vụ giám sát các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với người dân” - ông Khoa nói.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới