Xét xử cựu Trưởng Công an TP Mỹ Tho vụ 'tha' cho 235 người vi phạm giao thông

(PLO)- Ông Đoàn Văn Thanh, cựu Trưởng Công an TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ khi "tha" cho 235 người vi phạm giao thông, gây thiệt hại cho ngân sách 650 triệu đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-10, TAND TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đoàn Văn Thanh (60 tuổi, cựu trưởng Công an TP Mỹ Tho) cùng 2 cựu cán bộ Đội CSGT là Võ Trần Chí Công (40 tuổi) và Phạm Thị Quỳnh Anh (39 tuổi), cùng về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cả 3 bị cáo trên được tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và tạm hoãn xuất cảnh.

Xét xử cựu Trưởng Công an TP Mỹ Tho cùng 2 cựu cán bộ Đội CSGT
Bị cáo Đoàn Văn Thanh (áo trắng) - Cựu trưởng Công an TP Mỹ Tho tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng 23-10-2024.

"Tha" cho 235 người vi phạm giao thông, gây thiệt hại hơn 650 triệu đồng

Theo cáo trạng, từ năm 2013-2016, ông Đoàn Văn Thanh là Trưởng Công an TP Mỹ Tho. Lợi dụng chức vụ được giao, khi có người thân của người vi phạm hành chính, xin giảm nhẹ hình thức xử phạt, ông Thanh có bút phê vào biên bản vi phạm hành chính để chỉ đạo phạt cảnh cáo (thay vì xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền) không đúng quy định pháp luật.

Võ Trần Chí Công và Phạm Thị Quỳnh Anh là những người được ông Thanh chỉ đạo để thực hiện việc "phạt cảnh cáo" này.

Có tổng cộng 235 hồ sơ được ông Thanh chỉ đạo xử phạt cảnh cáo không đúng quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 650 triệu đồng.

Cụ thể, tại Đội CSGT Công an TP Mỹ Tho, có 182 hồ sơ với hơn 570 triệu đồng; tại đội Cảnh sát trật tự Công an TP Mỹ Tho có 53 hồ sơ với gần 80 triệu đồng.

Cuu- truong-cong-an- tp my tho (1).JPG
Các bị cáo tại tòa

Cáo trạng cáo buộc Võ Trần Chí Công - Phụ trách tổ xử lý tại Đội CSGT từ năm 2013-2014, sau khi tiếp nhận hồ sơ có bút phê chỉ đạo của ông Thanh thì không đề xuất ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (do các lỗi vi phạm nêu trên không có hình thức phạt cảnh cáo), tự trả hồ sơ cho người vi phạm.

Trường hợp đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền nhưng Công lại thực hiện theo bút phê của ông Thanh, không triển khai các quyết định xử phạt tiền.

Đối với Phạm Thị Quỳnh Anh - phụ trách Đội CSGT từ năm 2015-2016 - cũng có những vi phạm tương tự như ông Công, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Với vai trò đồng phạm, Công xử lý sai quy định 130 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 385 triệu đồng cho nhà nước. Bà Quỳnh Anh xử lý sai quy định 42 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 166 triệu đồng.

Hiện nay, ông Thanh đã nộp toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 650 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Ông Thanh, Công và bà Quỳnh Anh đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân.

Cựu trưởng Công an TP Mỹ Tho 9 lần gửi đơn kêu oan

Trước ngày vụ án được đưa ra xét xử, ông Đoàn Văn Thanh-Cựu trưởng Công an TP Mỹ Tho đã 9 lần có đơn khiếu nại và kêu oan cho rằng sai phạm của ông chỉ trong mức độ hành chính chứ chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bản thân ông từng trải qua 40 năm công tác trong ngành Công an nhân dân, các lỗi xảy ra trong vụ việc này là do ông cả nể vì mối quan hệ đồng nghiệp trong và ngoài ngành công an chứ không vì động cơ vụ lợi cá nhân.

Ông Thanh cho rằng, cáo trạng của VKSND tỉnh Tiền Giang không khách quan, nhiều điểm mâu thuẫn với kết luận điều tra của công an và trái pháp luật.

DSC08110.JPG
Bị cáo Đoàn Văn Thanh trình bày trước tòa về nội dung đơn khiếu nại của ông

Cụ thể, ông Thanh đưa ra nhiều lý do cho rằng: Việc giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính thực hiện giám định lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính (VPHC) là trái pháp luật vì không có thẩm quyền giám định tư pháp trong lĩnh vực VPHC; dù vậy cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang và VKSND tỉnh Tiền Giang sử dụng tài liệu này khởi tố vụ án, khởi tố bị can là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự.

Ông cũng cho rằng, việc làm của ông chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Theo đó, vụ việc của ông không có yếu tố vụ lợi cũng như động cơ cá nhân khác chỉ đơn giản là áp dụng luật xử phạt hành chính chưa đúng với hình thức xử phạt. Kết luận điều tra và cáo trạng cũng thể hiện nội dung này.

Thứ hai, ông áp dụng Khoản 2 Điều 9 Luật xử lý VPHC (tình tiết giảm nhẹ) bút phê cho phạt cảnh cáo. Khi nhận được bút phê cho phạt cảnh cáo, Đội CSGT và CSTT (cán bộ cấp dưới) chưa trình ký quyết định phạt cảnh cáo theo Điều 22 Luật xử lý VPHC. Hơn nữa vào ngày 1-3-2016, ông Thanh đã bàn giao nhiệm vụ cho Trưởng Công an TP Mỹ Tho nhận nhiệm vụ Trưởng phòng PC10; tuy nhiên trong cáo trạng chưa làm rõ những trường hợp chưa ra quyết định phạt cảnh cáo từ ngày 1-3-2016 trở về trước (tức là sau khi đã bàn giao).

Ngoài ra, theo quy định về bồi thường thiệt hại (Điều 13 Luật xử lý VPHC) nếu ông có áp dụng pháp luật về xử phạt VPHC chưa đúng hình thức xử phạt gây thiệt hại thì cũng chỉ bồi thường theo quy định chứ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Thanh cho rằng, số liệu trên của cáo trạng mâu thuẫn với bản kết quả giám định, trong khi đó cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang và VKSND tỉnh Tiền Giang sử dụng kết quả giám định làm căn cứ khởi tố vụ án và khởi tố bị can....

Tại phiên tòa sơ thẩm sáng 23-10, ông Thanh cho biết các đơn khiếu nại của ông đến nay vẫn chưa được xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm