Sáng 26-6, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hình sự mua bán hóa đơn, đưa - nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 6 bị cáo, trong đó cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca kháng cáo bản án 10 năm tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên phạt.
Cụ thể, các bị cáo được đưa ra xét xử phúc thẩm gồm bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc công an Hải Phòng, bị TAND tỉnh Quảng Ninh xử phạt 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ‘Trùm hoá đơn’ Trương Xuân Đước và vợ Nguyễn Thị Ngọc Anh, lần lượt bị xử phạt 9 năm tù và 4 năm 6 tháng tù cho hai tội danh Mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và tội Đưa hối lộ.
Ngoài ra còn có bị cáo Nguyễn Đình Đương, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng), bị TAND tỉnh Quảng Ninh xử phạt 6 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ; bị cáo Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn với lần lượt 18 tháng tù và 15 tháng tù về tội Mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Theo ghi nhận của PLO, đến đúng 8 giờ, xe chở các bị cáo đã có mặt tại toà. Lần lượt các bị cáo được áp giải vào khu vực xét xử.
Trong vụ án này, lý do ông Ca xin kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cũng tương tự với những lời ‘giãi bày’ về tâm tư của mình khi được nói những lời sau cùng tại phiên toà sơ thẩm.
Cựu giám đốc công an Hải Phòng cho biết không có ý thức chiếm đoạt 35 tỉ đồng của vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước. Khi vợ chồng Đước mang tiền đến nhà, ông nghĩ đó là tiền để mang đi khắc phục hậu quả hành vi Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước của Đước.
Ông Đỗ Hữu Ca cho rằng Ngọc Anh (vợ Trương Xuân Đước) đã hiểu nhầm lời tư vấn của mình, coi đó là tiền mang đi chạy tội.
Ông Ca cũng tự nhận đã nghỉ hưu lâu, không cập nhật những quy định mới nên tư duy pháp luật lỗi thời, lạc hậu, không hiểu được sự chuyển hóa của tội phạm. Đến nay, ông Ca đã nhận thức được hành vi của mình là "mặc nhiên chấp nhận ý chí chạy án" của vợ chồng Đước dù không đồng ý, không có ý thức chiếm đoạt.
Theo cáo trạng, năm 2005, Trương Xuân Đước, 53 tuổi, trú tại phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng thuê dịch vụ thành lập Công ty Cổ phần Khánh Dung để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn kiếm lời.
Năm 2007, Trương Xuân Đước kết hôn với Nguyễn Thị Ngọc Anh, 45 tuổi và cùng vợ quản lý, điều hành Công ty CP Khánh Dung hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.
Từ năm 2014 đến năm 2021, vợ chồng Đước đã sử dụng căn cước công dân của cả hai và chứng minh nhân dân, căn cước công dân của các cá nhân là người thân, người quen, bạn bè hoặc nhân viên làm thuê để thành lập thêm các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn kiếm lời.
Khoảng tháng 10-2022, vợ chồng Đước biết tin Trương Văn Nam (là cháu của Đước) bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt, khám xét liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn, đồng thời cũng điều tra, xác minh về công ty của vợ chồng Đước quản lý, điều hành.
Do lo sợ bị xử lý liên quan, Đước đã bỏ trốn và chỉ đạo vợ đến gặp cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca (đã nghỉ hưu, là người có mối quan hệ thân thiết với Đước) để nhờ chạy tội. Tổng cộng, Đước và vợ đã 4 lần đưa tiền cho ông Ca với tổng số tiền lên tới 35 tỉ đồng.
Sau khi Đước bị bắt, Ngọc Anh đã tìm đến nhà ông Ca xin lại 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Ca không trả lại tiền và đuổi Ngọc Anh về.
Tiếp đó, ngày 7-2-2023, Ngọc Anh bị bắt giữ. Đến ngày 18-2-2023, ông Đỗ Hữu Ca bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị truy tố theo điểm a khoản 4 điều 174 BLHS (khung hình phạt 12 - 20 năm tù hoặc tù chung thân).
Tuy vậy, tại phiên sơ thẩm, HĐXX cũng đã cân nhắc rất nhiều tình tiết giảm nhẹ cho ông Ca để xử phạt mức án dưới khung là 10 năm tù.