Cập nhật vào thời điểm 11h ngày 22-10, giá vàng miếng SJC đã tăng thêm 1 triệu đồng/lượng so với ngay đầu giờ sáng và giao dịch ở mức 87,00 – 89,00 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 85,10 – 86,40 triệu đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia đã không ngừng cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng không nên “ôm” vàng quá nhiều ở thời điểm này.
Đi khắp Hà Nội mua được 5 chỉ vàng
Cách đây 4 năm, chị Nguyễn Hoài Linh trú tại Định Công, Hà Nội nợ người quen 20 cây vàng. Giờ đây khi giá vàng tăng quá cao, người cho vay đòi trả vàng nên chị cần mua vàng để trả nợ.
Đặt mua trực tuyến qua ngân hàng không được, mang theo 2 tỉ đồng, chị đành lái ô tô đi từ chiều đến tối mịt khoảng 8 tiếng trên đường, qua các con phố kinh doanh vàng lớn ở Hà Nội như Trần Nhân Tông hoặc Cầu Giấy.
Chị Linh hỏi khắp các cửa hàng giao dịch vàng lớn tại Hà Nội để mua nhưng hầu hết nhân viên các cửa hàng đều trả lời không có hàng bán và không biết bao giờ hàng mới về.
Chị Linh đành đăng ký với cửa hàng trưởng của một công ty kinh doanh vàng bạc trên phố Cầu Giấy, khi nào có vàng nhẫn hoặc vàng miếng gọi chị qua lấy. Đến tối muộn ngày hôm kia, chị Linh mới mua được 5 chỉ vàng.
"Chủ cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Cầu Giấy cho biết sở dĩ trước đó vài tiếng không có vàng bán vì không có ai bán, bỗng nhiên đến tối có người mang bán nên cửa hàng gọi tôi ra lấy luôn"- Chị Linh chia sẻ.
Nhưng trường hợp như chị Linh còn may mắn hơn nhiều người khác. Bởi khảo sát trên phố Trần Nhân Tông cho thấy rất nhiều người đã ra cửa hàng hỏi nhưng đều nhận được câu trả lời là không có vàng.
Trao đổi với PLO, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết, họ không nhập được vàng nguyên liệu để dập thêm vàng miếng. Khi phóng viên đặt vấn đề liệu có phải nhà buôn đang om hàng để bán ra dịp Thần tài sau Tết không, đại diện doanh nghiệp khẳng định họ không dại ôm hàng thời điểm giá vàng quá cao như thế này.
Cửa hàng nhỏ lẻ vẫn có hàng
Theo khảo sát của phóng viên PLO tại một số cửa hàng nhỏ kinh doanh vàng trên các phố Hà Trung, Cầu Giấy, Trần Nhân Tông, chủ kinh doanh ở đây khẳng định vẫn có vàng miếng bán ra. Nhưng khách phải chịu chênh lệch cao, giá vàng miếng SJC bán ra hơn 91 triệu đồng/lượng, cao hơn giá niêm yết của các ngân hàng và doanh nghiệp vàng lớn 2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, vì ngại cơ quan chức năng nên nhân viên cửa hàng yêu cầu sẽ chỉ giao dịch tại nhà của khách hoặc quán cà phê với hình thức chuyển khoản chứ không giao dịch tại cửa hàng và không giao dịch tiền mặt để tránh “kiểm đếm mất thời gian”.
Nhân viên cửa hàng này thậm chí còn đề nghị khách nếu chốt mua thì phải gặp luôn giao dịch ngay, cam kết giao đủ hóa đơn, còn nếu không đến chiều giá sẽ cao hơn nữa vì giá thế giới đang tăng từng ngày.
Khối lượng giao dịch tối thiểu mà nhân viên cửa hàng này đưa ra là tối thiểu 3 lượng vàng, còn dưới số lượng đó họ từ chối giao dịch.
Đại diện một số chủ kinh doanh vàng bạc khác khi được hỏi đã từ chối thẳng thừng việc giao dịch, tuy nhiên khi khách cố nài nỉ và thể hiện có tiền thực sự thì nhân viên cửa hàng yêu cầu ra một góc nói chuyện riêng, không được ghi âm chụp hình.
Cần cẩn trọng với kịch bản sụt giảm giá vàng 10 năm trước
Lý giải về nguyên nhân giá vàng tăng, trao đổi với PLO, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết yếu tố trực tiếp đẩy giá vàng trong nước tăng chính là do ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Vị này cho biết NHNN sẽ vẫn tiếp tục các công cụ quản lý thị trường vàng như hiện tại.
Theo ông Trần Duy Phương, chuyên gia độc lập về thị trường vàng, thực ra trên thị trường hiện nay không thiếu vàng để mua nhưng sự khan hiếm mà người dân nói đến là bởi họ luôn chỉ muốn mua vàng có thương hiệu. Còn tại các cửa hàng vàng bình dân, các tiệm vàng nhỏ vẫn giao dịch mua bán bình thường.
Bên cạnh đó, theo ông Phương, nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng do giá vàng thế giới tăng từ căng thẳng địa chính trị không hồi kết tại khu vực Trung Đông và bầu cử Mỹ đến gần với nhiều biến số khó lường.
Ông Trần Duy Phương cảnh báo nhà đầu tư về việc hiện tại giá vàng thế giới đã tăng lên vượt ngưỡng 2.700USD/ounce, theo dự báo của ông Phương, tối đa cho đến cuối năm nay giá vàng thế giới sẽ chạm ngưỡng 2.850USD/ounce. Như vậy, dư địa tăng không còn nhiều.
Đồng thời ông Phương cũng nhấn mạnh nhà đầu tư không nên quá tự tin vào khả năng giá vàng thế giới sẽ tăng mãi. Bài học của thời kỳ cách đây hơn 10 năm, từ năm 2011 đến năm 2016 vẫn còn rất nhiều giá trị.
Cụ thể, theo số liệu thống kê, ngày 15-9-2011, giá vàng thế giới từng chạm ngưỡng 1.778,5USD/ounce (ngưỡng cao chưa từng thấy đến thời điểm đó). Lần thứ 2 giá vàng chạm ngưỡng cao 1.777,6USD/ounce (cao hơn đỉnh trước và cao kỷ lục tính đến thời điểm đó) là vào ngày 27-9-2012.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới sau đó đã giảm một mạch không ngừng nghỉ suốt 3 năm rưỡi xuống còn 1.060USD/ounce, tức là mất đến 40,34% trong thời gian nói trên.
Dựa trên những số liệu tính toán trên, ông Phương cảnh báo nhà đầu tư không nên lướt sóng vàng ở thời điểm này, và nếu có mua tích lũy, cũng chỉ nên dành tối đa đến 30% số tiền dư thừa không dùng đến.
Còn theo phân tích của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, các giải pháp ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước đạt hiệu quả về thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, TS. Hiếu đánh giá, nguồn cung vàng cho thị trường còn hạn chế và nhu cầu mua vàng, nắm giữ vàng của người dân vẫn cao. Do vậy, nhà điều hành cần phải xem xét thêm các yếu tố khác, cần thêm những giải pháp khác phù hợp hơn.
"Nếu đầu tư vàng lâu dài thì có thể mua vào lúc này, nhưng nếu để "lướt sóng" kiếm lời thì cần cẩn trọng. Bởi giá vàng thế giới có thể tăng lên 2.800 USD/ounce hoặc 3.000 USD/ounce vào năm 2025 nhưng không loại bỏ rủi ro giá vàng tạo bong bóng rồi lao dốc, gây rủi ro cho những người trót mua vàng thời điểm này”, ông Hiếu băn khoăn.