Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, quyết toán NSNN, tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu.
Tại tổ TP HCM, đại biểu Phan Văn Mãi - Chủ tịch TP.HCM bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ông nhận định, các kết quả đạt được từ cuối 2021 đến đầu 2022 là “tổng hợp của những nỗ lực quyết liệt, không mệt mỏi của chúng ta trong thời gian qua”.
Siết tín dụng bất động sản phải… đúng
Theo ông Mãi, thực tiễn của TP HCM cho thấy cả nước đã kiểm soát được dịch COVID-19 rất tốt, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế diễn ra mạnh mẽ và khá đồng bộ.
Dẫn chỉ số sản xuất công nghiệp TP.HCM tăng 2,6%, với có 4 tháng tăng trưởng dương liên tục sau một thời gian dài tăng trưởng âm, ông Mãi nói: “Nhì con số thấy đơn giản, nhưng đó là cả một nỗ lực lớn. Chúng ta có niềm tin về dư địa nội lực, tin những nỗ lực, giải pháp thời gian qua là đúng hướng, giờ cần phải tập trung hơn nữa”.
Tuy nhiên, đại biểu TP.HCM cũng băn khoăn khi tăng trưởng ở các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn còn chậm, cần có giải pháp tháo gỡ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn.
Đại biểu Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại tổ thảo luận |
Cũng như vậy, hoạt động sản xuât, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung tuy có phục hồi nhưng đang chịu sức ép rất lớn về thủ tục hành chính, cung lao động, giá cả gia tăng của các nguồn đầu vào…
Đây là những vấn đề Chính phủ, chính quyền các cấp cần tập trung nhận diện, tháo gỡ. Trong đó cần triển khai chương trình phục hồi kinh tế đồng bộ hơn, nhanh hơn, thực sự đến được với doanh nghiệp, đi vào cuộc sống.
Về lĩnh vực bất động sản tăng trưởng giảm sâu, -12,6%, nhưng vì tích lũy nhiều rủi ro mà bị siết tín dụng, ông Mãi nói: “Chúng ta siết tín dụng bất động sản, có hay không chuyện chúng ta đập con chuột mà không làm bể bình, hay là đã bể bình rồi?”.
Từ băn khoăn này, ông đề nghị Chính phủ xử lý vấn đề tín dụng động sản khéo léo, không để ảnh hưởng tiêu cực đến lao động trong lĩnh vực xây dựng, đến những dự án có tính xã hội cao, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
“Việc này tác động rất lớn vào kinh tế, xã hội. Đây là vấn đề cần phải phân tích”, ông Mãi nhấn mạnh.
Xử lý sai phạm ngành y tế nhưng…
Hướng về Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang ngồi dự thảo luận, Chủ tịch TP.HC nói: “Ở đây có Chủ tịch nước, chúng tôi xin được nói những tâm tư rất tha thiết của cử tri TP.HCM, đặc biệt là cử tri ngành y tế”.
Lực lượng y tế từng được tôn vinh như những người hùng trong đại dịch, nhưng gần đây việc thanh tra, kiểm tra mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phát hiện một số sai phạm đã làm đảo lộn cách nhìn của xã hội. Truyền thông, mạng xã hội đang có xu hướng nhìn bất kỳ cái gì, bất cứ việc mua sắm nào của y tế cũng đều có chủ ý sai phạm...
“Từ người hùng trong chống dịch, giờ trở thành những người như sẵn sàng vi phạm vì lợi ích của mình. Chỗ này chúng tôi trân trọng báo cáo với Chủ tịch nước. Chúng ta phải lãnh đạo, định hướng như thế nào để chúng ta phát hiện, xử lý được những vụ việc vi phạm, nhưng phải bảo vệ được uy tín của ngành” - ông Phan Văn Mãi kiến nghị.
Những tâm lý tiêu cực ấy, đang khiến các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc men, trang thiết bị, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ người dân. Từ thực tế này, Chủ tịch TP.HCM cho biết hôm qua vừa trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế, phải bàn tính, đề xuất mua được thuốc, hóa chất để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh hàng ngày của người dân thành phố.
“Đây là vấn đề rất bức xúc” - ông Mãi thẳng thắn.
Tổ ĐBQH TP HCM thảo luận sáng ngày 25-5 |
Một vấn đề khác, liên quan đến tâm trạng cử tri TP.HCM là an ninh xã hội, là mối lo lạm phát, giá cả.
“Giá cả tăng đã tác động đến một bộ phận người dân, nhất là những người thu nhập thấp. 6 tháng cuối năm, điều này sẽ ảnh hưởng đến từng gia đình, từng con người, nhất là những công nhân lao động, sinh viên - những người có thu nhập thấp trong xã hội”, ông Mãi nói.
Nếu mở cửa chậm một tháng…
Ông Phan Văn Mãi cho hay: thu ngân sách TP.HCM đã đạt trên 54%, số lượng DN thành lập mới tăng trở lại rất nhanh, xuất nhập khẩu tốt.
Thương mại, dịch vụ của TP.HCM đến tháng 5-2022 này đã tăng 0,6% sau một thời gian dài tăng trưởng âm, có lúc âm 4.8%. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt sau khi mở cửa hàng không, mở cửa du lịch quốc tế từ 15-3. Ngành ăn uống, lưu trú đã tăng 2,2%, lữ hành tăng trên 8%.
“Đây là sự phục hồi rất tốt”- ông Mãi nói và cho rằng đây là nhờ các chính sách, giải pháp của đã được ban hành.
“Nếu mở cửa chậm hơn 1 tháng thì việc gì sẽ xảy ra? Nếu chúng ta không có các biện pháp, chính sách về phòng chống dịch thì việc gì sẽ xảy ra? Điều này cho chúng ta bài học rất lớn về sự quyết đoán, quyết liệt, đồng bộ của chúng ta trong việc mở cửa và thực thi các chính sách sau COVID.
Đây là điều cần phân tích và có bài học để tập trung hơn nữa trong thời gian tới”, ông Mãi nói.