Đại diện cấp cao EU: 'Châu Âu phải có quyền tự chủ chiến lược'

Một lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng tổ chức này cần xây dựng "quyền tự chủ chiến lược" để đảm bảo một vị thế thích hợp trên trường quốc tế, hãng tin Sputnik cho hay.

Ngày 13-11, tạp chí Project Syndicate đang bài bình luận của Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell về vai trò của EU trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Ông Borrell tin tưởng vào chiến thắng của ông Joe Biden - ứng cử viên tổng thống Mỹ đại diện cho đảng Dân chủ - và cho rằng "một châu Âu mạnh mẽ hơn, gánh vác thêm nhiều trách nhiệm hơn đối với toàn cầu" có thể giúp Mỹ khôi phục lại sau những xáo trộn dưới thời Tổng thống Donald Trump. 

Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell. Ảnh: AFP

Trong bài viết của mình, ông Borrell nhắc lại lời Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng: "Người châu Âu thực sự phải tự mình nắm lấy vận mệnh của mình". Quan điểm này được cho là càng có vai trò quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược trên trường quốc tế đang ngày càng gay gắt.

EU cần suy nghĩ và hành động cho riêng mình

Ông Borrell cho rằng cần có "quyền tự chủ chiến lược của châu Âu", tức là EU cần "suy nghĩ cho chính mình và hành động theo các giá trị và lợi ích của riêng mình".

Ông Borrell cho rằng các thách thức an ninh đối với châu Âu đã vượt ra ngoài phạm vi địa lý của châu lục này mà bao trùm cả các vấn đề ở Trung Đông và châu Phi. Do đó, "nhiệm vụ của EU là xác định một lập trường chung để từ đó có thể hành động vì lợi ích duy trì ổn định khu vực".

"Quyền tự chủ chiến lược của châu Âu" không chỉ đơn giản liên quan tới lĩnh vực quốc phòng, an ninh. EU được cho là cần thể hiện lập trường độc lập hơn ở các vấn đề như đại dịch COVID-19, kiểm soát mạng xã hội hay chương trình công nghệ 5G...

Để thành công trong việc thể hiện vai trò tương xứng của mình, EU được cho là cần phát triển một khuôn khổ riêng để giám sát và phân tích các mối đe dọa của riêng châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một số công cụ hỗ trợ các nước thành viên từng bước thực hiện yêu cầu này.

Dù vậy, hợp tác trong khuôn khổ NATO vẫn là 'không thể thiếu'

Tuy nhiên, "tự chủ" không phải là tự cô lập châu Âu với phần còn lại của thế giới. EU cần đồng thời "củng cố các liên minh và duy trì các cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và sự công khai" - ông Borrell lưu ý.

Ông Borrell bác bỏ những nghi ngờ về giá trị những cam kết giữa hai bờ Đại Tây Dương và nhấn mạnh vai trò của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "không thể thiếu" đối với an ninh châu Âu. 

Ông Josep Borrell (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải). Ảnh: AP

Đại diện của EU đồng ý với quan điểm của Tổng thống Mỹ Trump về việc các thành viên NATO ở châu Âu phải tăng cường đóng góp tài chính, đáp ứng mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như Washington yêu cầu.

Ông Borrell nhấn mạnh yêu cầu trên của Washington sẽ không thay đổi dù cho người nhiều khả năng sẽ nắm quyền ở Nhà Trắng trong bốn năm tới là ông Biden có thể có chính sách khác với ông Trump bởi vì "các lợi ích địa chính trị cốt lõi của Mỹ sẽ không thay đổi".

EU không cho phép Trung Quốc có hành vi bành trướng

Ông Borrell cho biết EU đang "ngày càng nhận thức được những lỗ hổng do mối quan hệ kinh tế ngày càng mất cân bằng với Trung Quốc gây ra" nên đang đàm phán thỏa thuận thương mại với đối tác này dựa trên nguyên tắc cốt lõi là có đi có lại.

Ông Borrell cho rằng sự phát triển kinh tế của riêng Trung Quốc và những lợi ích mà người dân nước này nhận được từ sự tăng trưởng đó không làm châu Âu khó chịu. Tuy nhiên, EU "không thể đánh đổi giá trị và lợi ích của riêng mình để cho Trung Quốc bành trước ra quốc tế".

"Đó là lý do chúng tôi đã giải quyết vấn đề theo cách tiếp cận kép, coi Trung Quốc là đối tác quan trọng nhưng cũng là một lực lượng cạnh tranh và một đối thủ mang tính hệ thống" - ông Borrell viết tiếp.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới