Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin hôm 7-9, hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ diễn ra trong ngày 8-9 (giờ địa phuong) do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì.
Cùng với bà Merkel - người hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, còn có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không tham dự mặc dù có báo cáo trước đó nói rằng ông đã được mời, theo SCMP .
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh ảo với ba nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 8-9. Ảnh: XINHUA
“Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để Trung Quốc cố gắng lấy lòng châu Âu bằng hành động thực tế và cụ thể trước khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden có khả năng giành chiến thắng, điều chắc chắn sẽ củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương” - một quan chức EU giấu tên cho biết.
Thương mại sẽ là trọng tâm chính trong cuộc họp đặc biệt này, vốn được định diễn ra trực tiếp giữa lãnh đạo 27 nước EU và ông Tập tại TP Leipzig, Cộng hòa Liên bang Đức nhưng đã bị hoãn lại do dịch COVID-19.
Hai nguồn tin từ phía EU cho biết việc rút gọn cuộc họp này không phải để thay thế Hội nghị "27+1" (tức 27 nước EU và Trung Quốc) đã được định trước đó. Cuộc gặp này sẽ diễn ra trước cuối năm nay, dù quan hệ giữa hai thành viên EU là Cộng hòa Czech và Thuỵ Điển với Trung Quốc đang rơi vào bế tắc.
Trước đó, trong chuyến thăm Đài Loan, Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hòn đảo này, thậm chí tuyên bố ông là "người Đài Loan". Tổng thống Czech Milos Zeman, người luôn muốn hợp tác kinh doanh với Trung Quốc, đã gọi chuyến thăm của ông Vystrcil là sự “khiêu khích mang tính trẻ con".
Trong khi đó, quan hệ ngoại giao giữa Thuỵ Điển và Trung Quốc đang đóng băng do việc Bắc Kinh quyết định tiếp tục giam giữ công dân Thuỵ Điển gốc Hoa tên Quế Mẫn Hải. Năm 2016, ông Quế đã bị Trung Quốc kết án 10 năm tù với tội danh "cung cấp thông tin tình báo" ở nước ngoài.
EU mong muốn một hiệp ước nhằm bảo vệ lợi ích kinh doanh của họ ở Trung Quốc vì họ cho rằng nền kinh tế nước này ngày càng bị kiểm soát bởi nhà nước.