Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ bắt đầu chuyến công du tới năm nước châu Âu vào ngày 25-8, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Hôm 24-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết ông Vương sẽ tới thăm Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức từ ngày 25-8 đến ngày 1-9. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Vương kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Ông Triệu nói rằng Trung Quốc và châu Âu nên hợp tác với nhau để phục hồi nền kinh tế toàn cầu và bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng hy vọng chuyến công du này sẽ thúc đẩy quan hệ hai bên và ổn định chuỗi cung ứng sau đại dịch.
Chuyến thăm của ông Vương diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải hứng chịu những chỉ trích về việc xử lý đại dịch và những động thái cứng rắn với Hong Kong từ châu Âu. Thêm vào đó, nhiều nước châu Âu cũng đang từ chối công nghệ 5G của Trung Quốc.
Theo bà Lucrezia Poggetti - chuyên gia về quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Đức) thì chuyến công du của ông Vương là để “kiểm soát thiệt hại”.
Bà nói: “Mục tiêu chính của Bắc Kinh là ngăn cản việc xuất hiện một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương chống lại Trung Quốc, đặc biệt là công nghệ 5G”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Theo SCMP, đáng lưu ý là ông Vương sẽ không đến thăm những nơi mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tháng 8 đã tới như Áo, Anh, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan và Slovenia. Đây là những nước mà Washington nhắm đến để thuyết phục họ có đường lối đối ngoại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Ông Vương sẽ bắt đầu chuyến thăm của mình tại Ý. Đây là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 - gồm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới - tham gia vào sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc. Tại đây, ông Vương sẽ tập trung thảo luận vấn đề 5G với Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Hiện Ý vẫn đang xem xét có nên loại tập đoàn Huawei khỏi mạng 5G của mình hay không.
Hiện tại, việc Mỹ, Anh và Pháp cấm cửa Huawei đã khiến Đức trở thành thị trường lớn nhất để gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này có cơ hội tiếp cận.
Những nguồn tin từ Pháp và Đức cho biết họ đã được thông tin và đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của ông Vương với những nhà lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, cả Pháp và Đức đã nhiều lần chỉ trích việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.
Chuyến thăm của ông Vương tới Hà Lan diễn ra sau khi uy tín của Hà Lan bị lung lay trong nội bộ EU vì Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhất quyết cắt giảm gói hỗ trợ cho các nước thành viên EU bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Khi tới thăm Na Uy, ông Vương có khả năng sẽ tái khẳng định việc “bình thường hóa” quan hệ với nước này. Lý do là vào năm 2010, Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ khi Ủy ban Giải Nobel của Na Uy đã trao giải thưởng Nobel hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba. Hai nước này chỉ mới hàn gắn quan hệ vào năm 2016.