Dải Gaza chỉ còn 24 giờ trước khi rơi vào 'thảm họa thực sự'

(PLO)- Dải Gaza có thể phải đối mặt với "thảm họa thực sự" sau 24 giờ nữa, nếu như hàng viện trợ không kịp đến tay người dân khu vực này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-10 đánh dấu 10 ngày kể từ khi Israel bắt đầu không kích vào các mục tiêu ở Dải Gaza, nhằm trả đũa vụ tấn công ngày 7-10 của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel.

Cơ quan phụ trách y tế ở Dải Gaza cho biết các vụ tấn công đã khiến hơn 2.800 người ở khu vực này thiệt mạng và hơn 10.000 người bị thương. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do xung đột.

Tình hình tại Dải Gaza đang rất báo động khi nguồn cung điện, nước, lương thực bị khan hiếm, trong khi nguồn viện trợ chưa thể vào được khu vực này.

24 giờ còn lại

Sau vụ tấn công của Hamas vào ngày 71-0, Israel đã phong tỏa Dải Gaza, cắt nguồn cung cấp điện, nước đến khu vực này. Theo hãng tin AFP, việc cắt điện đã làm tê liệt các hệ thống hỗ trợ sự sống tại Dải Gaza, cản trở quá trình hoạt động của nhà máy khử mặn nước biển, của các thiết bị cấp cứu tại bệnh viện.

israel_palestinians_daily_photo_gallery_93066.jpg
Người dân tập trung trước một cửa hàng bánh mì tại Dải Gaza hôm 15-10. Ảnh: AP

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn AFP hôm 16-10, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Ahmed al-Mandhari cho biết Dải Gaza có thể chỉ còn đủ điện, nước và nhiên liệu để sử dụng trong 24 giờ.

Ông al-Mandhari cũng cảnh báo nếu viện trợ không được phép vào vùng lãnh thổ này, các bác sĩ sẽ phải "chuẩn bị giấy chứng tử cho các bệnh nhân mà họ đang chăm sóc”.

Kể từ khi xung đột xảy ra, WHO ghi nhận các cuộc không kích và ném bom đã tấn công 111 cơ sở y tế, khiến 12 nhân viên y tế thiệt mạng và 60 xe cứu thương bị đánh bom. Theo ông, al- Mandhari, các hành động này vi phạm đã “luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo”.

Người đứng đầu WHO khu vực Đông Địa Trung Hải xác nhận tổng cộng có 22 bệnh viện ở phía bắc Gaza. Các bệnh viện này đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân, bao gồm "một số bệnh nhân phải sử dụng máy thở và một số người cần chạy thận nhân tạo thường xuyên. Ngoài ra, còn có trẻ em, trẻ sơ sinh và phụ nữ".

Ông al-Mandhari cho biết tình trạng quá tải bệnh nhân đã khiến các bệnh viện ở Dải Gaza bị tê liệt. Điều này khiến các “các đơn vị chăm sóc đặc biệt, phòng phẫu thuật, dịch vụ cấp cứu và các khu vực khác” tại các bệnh viện có nguy cơ dừng hoạt động.

Tình trạng quá tải và thiếu điện nước khiến các bác sĩ không thể cứu được tất cả bệnh nhân. Điều này buộc họ phải đưa ra những lựa chọn đau lòng.

“Các bác sĩ phải phân loại bệnh nhân. Họ không có lựa chọn nào khác. Có quá nhiều người bệnh trong khi nguồn lực hạn chế, nên một số người không được chăm sóc và chết dần chết mòn” - ông al-Mandhari nói.

Theo ông al-Mandhari, Dải Gaza đang bị đẩy đi đến “một thảm họa thực sự”.

“Viện trợ phải được phép vào Dải Gaza trong vòng một ngày tới, trước khi tình hình trở nên hoàn toàn không thể kiểm soát được” - ông al-Mandhari cảnh báo.

8f1b3b160b802ee9d0da5d1cedfd771a6e5204c6.jpg
Người dân lấy nước tại một trại tị nạn ở phía nam Dải Gaza. Ảnh: AFP

Viện trợ vẫn chưa thể vào được Dải Gaza

Theo đài CNN, hàng tấn hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Dải Gaza đang bị chất đống tại cửa khẩu Rafah - cửa khẩu ở phía nam Dải Gaza, nối khu vực này với Ai Cập.

Ngày 16-10, Hamas kêu gọi Ai Cập mở cửa khẩu Rafah để nguồn viện trợ có thể vào Dải Gaza và những người bị thương có thể được đưa đi điều trị.

“Chúng tôi kêu gọi những người anh em ở Ai Cập mở cửa khẩu Rafah để cho phép viện trợ đến tay người dân của chúng tôi ở Gaza và để những người bị thương có thể được chuyển đi điều trị” - tài khoản Telegram của Hamas viết.

Trong ngày 16-10, giám đốc truyền thông của Cơ quan LHQ hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) - bà Juliette Touma cho biết vẫn chưa có xe chở nhiên liệu nào của LHQ vào được Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Bà Touma cũng kêu gọi phía Israel ngừng phong tỏa Dải Gaza.

Nhiều nước và tổ chức quốc tế cũng đề nghị Israel và Ai Cập cho phép hàng viện trợ vào Dải Gaza.

Ngày 15-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này đã bổ nhiệm cựu nhà ngoại giao kỳ cựu David Satterfield phụ trách giải quyết vấn đề viện trợ cho Dải Gaza.

493b61c3-5a02-4038-b019-5cc2a96ebb43.jpg
Người dân tập trung tại cửa khẩu Rafah (phía bên Dải Gaza) để chờ cửa khẩu mở cửa, vào ngày 16-10. Ảnh: GETTY IMAGES

Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ - ông Martin Griffiths cho biết ông sẽ tới Trung Đông vào ngày 17-10 "để cố gắng hỗ trợ trong các cuộc đàm phán" về viện trợ.

“Chúng tôi đang thảo luận với phía Israel, Ai Cập và các bên liên quan khác” - ông Griffiths nói.

Trong khi đó, ngày 16-10, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ khởi động một chiến dịch cầu hàng không nhân đạo để đưa hàng viện trợ đến Dải Gaza.

Theo đó, EU sẽ tổ chức “một số chuyến bay” mang hàng viện trợ đến Ai Cập. Từ Ai Cập, hàng viện trợ sẽ được chuyển đến các tổ chức nhân đạo ở Dải Gaza.

“Hai chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra trong tuần này. Các chuyến bay này chở hàng hóa nhân đạo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), bao gồm các vật dụng tạm trú, thuốc men và bộ dụng cụ vệ sinh” - thông báo của EU cho biết.

Ngày 16-10, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết nước này sẽ hỗ trợ 10 triệu euro (khoảng 10,55 triệu USD) cho các cơ quan của LHQ và các tổ chức phi chính phủ để giúp đỡ người dân Dải Gaza.

“Nguồn viện trợ này đã sẵn sàng và bây giờ nó phải được gửi đến Dải Gaza. Đây là một trường hợp khẩn cấp” - bà Colonna nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm