Ngày 14-11, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một dự thảo nghị quyết kêu gọi Nga bồi thường tổn thất gây ra cho Ukraine sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng hồi tháng 2, theo hãng tin Reuters.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu: 94 nước đã ủng hộ dự thảo nghị quyết này, 73 nước bỏ phiếu trắng và 14 nước bỏ phiếu chống. Với đa số đồng thuận, dự thảo nghị quyết đã được thông qua.
Theo nghị quyết, Nga “phải chịu hậu quả pháp lý cho tất cả hành vi sai trái, bao gồm bồi thường thiệt hại, tổn thất gây ra do hành vi này”.
Nghị quyết thừa nhận sự cần thiết phải thiết lập “một cơ chế quốc tế để bồi thường thiệt hại, mất mát hoặc thương tích”.
Các thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết trong phiên họp đặc biệt tại Trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ) ngày 14-11. Ảnh: AFP |
Nghị quyết cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên của LHQ hợp tác với Ukraine để tạo ra “một sổ đăng ký quốc tế” ghi lại các khiếu nại và thông tin về thiệt hại đối với người Ukraine và do Nga gây ra.
Trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya đã nói với ĐHĐ rằng Nga đã nhắm mục tiêu vào mọi thứ ở nước này, từ các nhà máy, khu dân cư dân cư đến bệnh viện.
Ông nói: “Nhiệm vụ khó khăn của Ukraine là tái thiết đất nước sau cuộc chiến, nhưng điều này sẽ không bao giờ đạt được nếu không có ý thức về công lý cho các nạn nhân của cuộc chiến. Đã đến lúc buộc Nga phải chịu trách nhiệm”.
Về phía Nga, Moscow nhiều lần phủ nhận việc cố ý nhắm mục tiêu vào thường dân. Đại sứ Nga tại LHQ - ông Vassily Nebenzia cho rằng các điều khoản của nghị quyết “không có giá trị pháp lý”.
“Phương Tây đang cố gắng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và có kế hoạch sử dụng tiền của Nga cho mục đích này” - ông Nebenzia nói.
ĐHĐ LHQ đã 2 lần thông qua dự thảo nghị quyết liên quan xung đột Nga-Ukraine. Vào tháng 3, 141 thành viên của LHQ đã bỏ phiếu lên án chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Tháng 10 vừa qua, 143 thành viên đã bỏ phiếu lên án việc Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine.
Các dự thảo của ĐHĐ LHQ chỉ mang ý nghĩa chính trị chứ không có tính ràng buộc.