COP27: LHQ quyết đòi tiền cho các nước nghèo

(PLO)- Lần đầu tiên hội nghị của Liên Hợp Quốc chính thức đưa vào nghị sự tranh luận buộc các nước giàu phải tích cực hơn trong việc bồi thường cho các nước nghèo đang phải gánh chịu hậu quả khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (LHQ) lần thứ 27 (COP27) đang diễn ra tại thị trấn nghỉ mát ven biển Sharm el-Sheikh (Ai Cập) và kéo dài hai tuần (ngày 6 đến 18-11), với đại biểu từ gần 200 nước và vùng lãnh thổ tham dự.

COP27 là lần đầu tiên nội dung tranh luận bồi thường thiệt hại biến đổi khí hậu được chính thức đưa vào chương trình nghị sự hội nghị khí hậu LHQ, theo hãng tin Reuters.

Sự kiện đang được toàn thế giới theo dõi với hy vọng sẽ nhìn thấy các nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Dùng dằng chuyện bồi thường cả hàng chục năm

Nhu cầu thảo luận về vấn đề bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu đã được đặt ra từ các hội nghị COP đầu tiên, vào đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, các nước phát triển, có nền công nghiệp phát triển thịnh vượng và đã gây tổn thương nhiều nhất cho khí hậu hành tinh đã nhiều lần ngăn cản nỗ lực đưa nó vào chương trình nghị sự. Họ sợ rằng điều này sẽ mở ra các yêu cầu bồi thường hàng tỉ USD cho các nước nghèo.

Cổng thông tin chính thức của chính phủ cho biết đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27 do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu từ các bộ: KH&ĐT, KH&CN, GTVT, NN&PTNT, Xây dựng; một số doanh nghiệp.

Tại Hội nghị COP26 năm ngoái ở TP Glasgow thuộc Scotland, các quốc gia phát triển từng bỏ phiếu chặn đề xuất về một cơ quan chuyên quản lý tài trợ tổn thất và thiệt hại khí hậu, thay vào đó ủng hộ đối thoại kéo dài ba năm để thảo luận về các khoản tài trợ liên quan.

Dù vậy, áp lực giải quyết vấn đề ngày càng gia tăng khi thiên tai ngày càng diễn ra khắc nghiệt cả về mức độ và tần suất. Như lũ lụt năm nay ở Pakistan làm thiệt hại kinh tế hàng tỉ USD, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa và hơn 1.000 người thiệt mạng. Hàng triệu người châu Phi phải di dời nhà cửa vì hạn hán cực đoan.

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry cho hay việc đưa chuyện bồi thường khí hậu vào chương trình nghị sự năm nay phản ánh tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia bị ảnh hưởng vì thảm họa khí hậu.

“Quyết định đã lần đầu tiên tạo ra một không gian ổn định về định chế trong chương trình nghị sự chính thức của COP và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu để thảo luận vấn đề cấp bách, thu xếp kinh phí cần thiết giải quyết những vấn đề hiện còn bị bỏ trống, ứng phó với mất mát và thiệt hại” - hãng tin AP dẫn lời ông Shoukry.

Lũ lụt gần đây ở Pakistan đã nhấn mạnh mức độ dễ bị tổn thương của một số nước đang phát triển trước những thay đổi của khí hậu. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Lũ lụt gần đây ở Pakistan đã nhấn mạnh mức độ dễ bị tổn thương của một số nước đang phát triển trước những thay đổi của khí hậu. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Bồi thường bao nhiêu?

Một báo cáo công bố hồi tháng 6 của 55 nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu ước tính tổng thiệt hại của các nước này liên quan đến khí hậu trong 20 năm qua là khoảng 525 tỉ USD, tương đương khoảng 20% ​​GDP tổng thể của tất cả các nước này. Một số nghiên cứu khác ước tính đến năm 2030, thiệt hại như vậy có thể lên tới 580 tỉ USD mỗi năm. Việc xác định nước nào phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí cho mất mát từ các thảm họa khí hậu cũng là vấn đề gây tranh cãi.

Các nước dễ bị tổn thương và các nhà vận động đã lập luận rằng các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm bồi thường vì đã gây ra phần lớn biến đổi khí hậu với lượng khí thải lịch sử của họ. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phản đối lập luận này vì lo ngại các trách nhiệm bồi thường khổng lồ.

Nếu các bên của COP đồng ý thành lập một quỹ bồi thường như vậy, họ sẽ cần xác định nguồn tiền đóng góp đến từ đâu, số tiền các nước giàu phải góp trả và những nước nào hoặc thảm họa khí hậu nào đủ điều kiện để được bồi thường.

Bên cạnh đó, hầu hết nguồn tài chính hỗ trợ từ nước giàu sang nước nghèo hiện cũng đang dựa trên các khoản vay. Các quốc gia thu nhập thấp vốn đang phải gánh nhiều khoản nợ, đang kêu gọi chuyển hình thức hỗ trợ sang nguồn tài chính viện trợ vì không muốn chịu nhiều khoản vay hơn nữa. Trước tình hình này, ông Shoukry khẳng định thế giới phải thay đổi cách tiếp cận.

Các nước đang phát triển, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu đã đề xuất kêu gọi đánh thuế lợi nhuận tăng bất thường của các công ty năng lượng. Theo hãng tin AP, sáu tập đoàn năng lượng ExxonMobil, Chevron (đều của Mỹ), Shell, BP (đều của Anh), Saudi Aramco (Saudi Arabia) và Total Energies (Pháp) có tổng lợi nhuận 97,49 tỉ USD trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9-2022, tức là vào thời điểm Pakistan đang chịu cảnh ngập lụt.•

COP27 đặt ra nhiệm vụ cấp bách về biến đổi khí hậu

Trong phát biểu tại ngày họp đầu tiên Hội nghị COP27, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết cần phải một hiệp ước giữa các quốc gia giàu nhất và nghèo nhất thế giới để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch; cung cấp tài trợ để đảm bảo các quốc gia nghèo hơn có thể giảm lượng khí thải. Người đứng đầu LHQ cũng đề nghị các nước loại bỏ dần việc sử dụng than, theo hãng tin Bloomberg.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc các nước giàu vốn phát thải nhiều khí nhà kính, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đóng góp công bằng để hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Cũng tại COP27, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh khí thải carbon cần được định giá trung bình là ít nhất 75 USD/tấn trên toàn cầu vào cuối thập niên này để đạt được các mục tiêu về khí hậu trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm