Trong cuộc gặp báo chí ngày 22-6 tại TP.HCM nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ song phương, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khẳng định Việt Nam và Mỹ đã duy trì mối quan hệ vô cùng thành công.
“Mỹ đã đầu tư và kỳ vọng nhiều vào thành quả tốt đẹp ở Việt Nam, để nước các bạn trở thành một quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và độc lập. Chúng tôi tin rằng thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, ông Kritenbrink nói.
Triển vọng hợp tác kinh tế Mỹ - Việt
Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định Việt Nam từ lâu đã luôn là thị trường quan trọng đối với doanh nghiệp Mỹ.
“Việt Nam đang làm rất tốt trong việc thu hút đầu tư từ nước ngoài nhờ nguồn lao động trẻ, năng động, giàu tri thức và chăm chỉ. Các cải cách và những đột phá trong kinh tế của các bạn đã đạt được cũng khiến nhiều người lạc quan về tương lai của Việt Nam”, quan chức này chia sẻ.
Ông nhận định hợp tác phát triển năng lượng Việt Nam sẽ là điểm nhấn cho tương lai quan hệ hai nước khi Việt Nam cần mở rộng lĩnh vực này để đáp ứng quy mô sản xuất ngày càng mở rộng. Mỹ có thể hỗ trợ cho Việt Nam các loại công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mới. Trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực phục hồi những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra, Đại sứ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh hai nước cần tận dụng những cơ hội mới xuất hiện để đẩy mạnh hợp tác thương mại song phương, phù hợp với thế mạnh của mỗi bên.
Đại sứ Mỹ cũng nhận định chính phủ Việt Nam có thể đã dự đoán được sự thay đổi trong chuỗi cung ứng khu vực cũng như toàn cầu từ trước khi đại dịch COVID-19 và đã có một số bước đi để thích ứng với điều kiện mới. Do vậy, Việt Nam đang ở trong một vị trí thuận lợi để đón nhận những lợi ích mà sự thay đổi này mang lại cũng như đủ sức đương đầu với các thách thức sắp tới.
Nhằm phát huy hơn nữa các thế mạnh hiện có, Đại sứ Daniel Kritenbrink khuyến nghị Việt Nam cần đảm bảo và không ngừng cải cách nền tảng pháp lý và một số vấn đề hành chính để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và thu hút thêm dòng vốn đầu tư.
Biển Đông - vấn đề chung của Mỹ và Việt Nam
Bình luận về vấn đề Biển Đông trước câu hỏi của PV Zing News, Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định Mỹ và Việt Nam có chung lợi ích để duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở đây. Cả hai nước cũng đồng ý theo đuổi và bảo vệ các giá trị như trật tự khu vực dựa trên luật pháp, tự do hàng hải, tự do không phận và tự do khai thác, thăm dò tài nguyên trong vùng biển mình quản lý.
Do đó, những hành vi cố tình đi ngược lại và xâm phạm các giá trị nói trên của Trung Quốc (TQ) thời gian qua khiến Mỹ quan ngại sâu sắc, đặc biệt là khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lợi dụng thời gian Mỹ phải lo chống dịch trong nước để tăng cường quân sự hoá Biển Đông.
“Các vấn đề ở Biển Đông không chỉ dừng ở những tranh chấp về chủ quyền mà còn kéo theo nhiều hệ luỵ về an ninh năng lượng hay quyền đánh bắt hải sản. TQ thật sự không thể cứ tiếp tục tái diễn những gì họ đang làm với các nước xung quanh. Các hành động bắt, cưỡng ép những quốc gia như Malaysia, Philippines, Việt Nam là không thể chấp nhận được” - ông Kritenbrink tuyên bố.
Thời gian tới, ông Kritenbrink nhấn mạnh Mỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm các biện pháp giải quyết căng thẳng hoà bình thông qua đối thoại với các đồng minh, đối tác trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác hỗ trợ, tăng cường năng lực quốc phòng của các nước này.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiếp tục ủng hộ các công ty Mỹ như Exxon Mobil, Murphy,… có mong muốn hợp tác với các nước để đầu tư khai thác nguồn tài nguyên trên Biển Đông. Washington sẵn sàng bảo vệ để các công ty này để đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường, không bị TQ quấy rối.
Tin tưởng là nền tảng hợp tác quan trọng
Theo Đại sứ Daniel Kritenbrink, chính sách đối ngoại của Mỹ từ lâu luôn hướng đến việc xây dựng và hỗ trợ hệ thống đồng minh và đối tác phát triển phù hợp với lợi ích của nước này, trong đó có Việt Nam. Dù Tổng thống Donald Trump hiện đang theo đuổi thông điệp “nước Mỹ trên hết”, nhưng nước Mỹ không thể và sẽ không bao giờ đứng ngoài cuộc chơi với các nước. Lý do là an ninh quốc gia của Mỹ chỉ thực sự được bảo đảm nếu các đồng minh, đối tác cũng được hưởng quyền lợi tương tự.
“Quan hệ Mỹ - Việt Nam là quan hệ được xây dựng trên nền tảng là hai bên tin tưởng thành ý và tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như hệ thống chính trị của nhau. Tôi nghĩ rằng việc lãnh đạo và người dân hai nước đã hoàn toàn gác lại những căng thẳng trong quá khứ để cùng hướng về tương lai là một chỉ dấu tốt cho điều này” - ông Kritenbrink chia sẻ.
Bàn thêm về vấn đề quan hệ song phương thời gian tới, Đại sứ Mỹ cho biết Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh các hoạt động thực chất nhằm hàn gắn những hậu quả do chiến tranh để lại, như tổ chức tìm kiếm thông tin binh sĩ thất lạc, triển khai công tác rà, phá bom mìn còn sót lại ở một số địa phương, v.v.
“Những hoạt động này sẽ giúp siết chặt hơn nữa sự tin tưởng giữa hai nước cũng như giúp Mỹ vượt qua những vấn đề còn lại của chiến tranh Việt Nam. Tiến trình hoà giải đóng một vai trò rất quan trọng giữa người dân hai nước. Tôi nghĩ rằng càng làm tốt tiến trình này, chúng ta sẽ có thể cùng vượt qua mọi trở ngại trong tương lai” - ông Kritenbrink nói.
Đại sứ Daniel Kritenbrink đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM hôm 21-6. Ảnh: American Center HCMC
Thúc đẩy hợp tác tương lai
Để có thể đảm bảo quan hệ song phương có thể đạt được những bước phát triển tốt đẹp hơn nữa trong 25 năm tới, Đại sứ Kritenbrink khẳng định cả hai nước đều cần phải nỗ lực duy trì thái độ tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Cụ thể, ngoài các hoạt động khắc phục những khó khăn trong quá khứ, hai nước phải cùng hợp tác giải quyết những vấn đề của hiện tại và tương lai. Một ví dụ điển hình mà ông Kritenbrink đề cập và đánh giá cao là cách ứng xử có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong chiến dịch đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Theo ông Kritenbrink, Việt Nam không chỉ kiểm soát tốt và minh bạch thông tin, tình hình trong nước mà còn tích cực hỗ trợ công tác chống dịch của Mỹ thông qua các đợt cung cấp khẩu trang và trang thiết bị y tế.
Để nhấn mạnh việc xây dựng niềm tin Mỹ-Việt, Đại sứ Mỹ nhắc lại Thượng định Trump-Kim diễn ra vào tháng 2 năm ngoái tại Hà Nội. “Chúng tôi đã có thể chọn rất nhiều nơi khác để tổ chức nhưng cuối cùng vẫn quay lại Việt Nam. Chúng tôi muốn Triều Tiên nhìn vào Việt Nam như một điển hình của việc gác lại mâu thuẫn trong quá khứ, sẵn sàng đưa ra những cải cách phù hợp cho tương lai. Đây cũng là bằng chứng cho thấy Mỹ rất tin tưởng Việt Nam và tin tưởng vào đường lối ngoại giao và khả năng lãnh đạo của nước bạn” - ông Kritenbrink cho hay.
Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh Việt Nam là một người bạn tốt của Mỹ, nhất là trong giai đoạn khó khăc và thách thức ập đến (như đợt COVID-19 hiện nay – PV).
"Tôi đã thay đổi nhiều về cách nhìn nhận Việt Nam" Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết khi ông đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2010, ông cảm thấy lo lắng bởi quá khứ căng thẳng của hai nước cũng như việc ông chưa từng tiếp xúc với người Việt nào nên cũng không rõ ông sẽ chào đón ra sao ở đây. Tuy nhiên, khi được đối đãi bằng sự nhiệt thành và thân thiện của Việt Nam, ông cho biết càng vững tin vào một tương lai tươi sáng cho hai nước. “Những thành quả mà chúng ta đã gầy dựng được trong 25 năm qua thật sự là điều rất đáng kinh ngạc. Chúng đều là minh chứng cho nỗ lực, lòng quả cảm và kiên trì của hai bên để giữ gìn quan hệ tốt đẹp này. Tôi thật sự rất vinh hạnh được trở thành Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và có cơ hội hiểu hơn về con người nơi đây. Tôi có thể khẳng định Việt Nam là đất nước lạc quan nhất mà tôi từng có dịp ghé thăm” - ông Kritenbrink cho biết. |