Đái tháo đường và những ngộ nhận

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa gây tăng đường huyết mạn tính do thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin. Hậu quả của bệnh gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể do tình trạng tăng đường huyết kéo dài. Do vậy chúng ta cần hiểu đúng về bệnh và các biện pháp giúp kiểm soát đường huyết để hạn chế biến chứng.

Nhiều người vẫn còn những hiểu nhầm về bệnh, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Một số ngộ nhận hay gặp về bệnh đái tháo đường

Chỉ người béo phì mới bị đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường thường liên quan đến béo phì. Tuy nhiên, không phải chỉ người béo phì mới mắc bệnh, rất nhiều người bị bệnh có trọng lượng ở mức bình thường hoặc gầy.

Lý do là đái tháo đường có nhiều dạng, do nhiều nguyên nhân, đái tháo đường type 1, 2, đái tháo đường do thai kỳ hoặc đái tháo đường do dùng thuốc hay phẫu thuật… Trong số này, béo phì là yếu tố nguy cơ thực sự đối với bệnh đái tháo đường type 2.

Chỉ người lớn tuổi mới mắc bệnh đái tháo đường

Nhiều người nhầm tưởng bệnh đái tháo đường chỉ xuất hiện ở người lớn. Thực tế, bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Hiện nay, với lối sống thành thị ít vận động và chế độ ăn uống không hợp lý, đái tháo đường đang xảy ra với tất cả mọi người, mọi độ tuổi và xu hướng tăng dần ở người trẻ và trẻ em.

Biến chứng đái tháo đường chỉ xảy ra sau khi phát hiện bệnh một thời gian dài

Biến chứng của đái tháo đường là do tăng đường huyết kéo dài. Tuy nhiên quá trình tăng đường huyết diễn ra âm thầm, không có một dấu hiệu báo trước nào. Vì vậy nhiều người phát hiện mình mắc bệnh khi bệnh đã xảy ra rất lâu hoặc đã có biến chứng. Nhiều nghiên cứu cho thấy tại thời điểm được chẩn đoán, 50% người bệnh đã có những biến chứng của bệnh như biến chứng trên mắt, tim mạch, thận, thần kinh, hoại tử…

Việc tầm soát bệnh đái tháo đường là điều rất quan trọng. Nên xét nghiệm đường máu định kỳ hằng năm để phát hiện bệnh sớm để điều trị, phòng ngừa biến chứng hiệu quả.

Cần có một chế độ ăn riêng biệt

Một chế độ ăn riêng biệt cho người bị bệnh tiểu đường là không cần thiết, có thể làm người bệnh mệt mỏi và giảm chất lượng sống.

Người bệnh đái tháo đường cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý để ổn định đường huyết giúp ngăn ngừa biến chứng. Nên chọn lựa những thực phẩm ít làm tăng đường huyết sau ăn, kết hợp hài hòa những thực phẩm làm tăng đường huyết và những thực phẩm ít làm tăng đường huyết. Nên ăn những thực phẩm giàu chất xơ, chọn ngũ cốc nguyên cám, ăn vừa phải cơm, bánh mì, khoai tây, mì ống, tăng lượng rau củ, đậu đỗ…, giảm chất béo, nên ăn cá nhiều hơn thịt, chọn trái cây ít ngọt, chọn sữa dành cho người đái tháo đường…

Đái tháo đường được ví là “kẻ giết người thầm lặng”, hiểu biết đúng về bệnh giúp phòng ngừa, phát hiện sớm và có biện pháp kiểm soát tốt giúp người bệnh sống vui, sống khỏe với bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm