Chiều 7-12, Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục diễn ra.
TAND tỉnh Đắk Lắk giải quyết vụ án tranh chấp về đất đai. Ảnh: ĐT |
Theo báo cáo của TAND tỉnh Đắk Lắk, năm 2022 tình hình tội phạm tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp; tranh chấp, khiếu kiện gia tăng về các vụ, việc đông người.
Năm qua, tòa hai cấp ở Đắk Lắk tiếp nhận 14.384 vụ, trong đó đã giải quyết 13.267 vụ việc, đạt tỉ lệ 92,2%. Số vụ việc còn lại đang tiếp tục được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Vẫn theo TAND tỉnh Đắk Lắk, quá trình thực hiện giải quyết các vụ việc, tòa các cấp đã làm tốt việc hướng dẫn các đương sự thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, tài liệu; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất để án quá thời hạn. Chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải, qua đó giải quyết các vụ án nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là các vụ việc về hôn nhân và gia đình.
Năm 2022, TAND hai cấp đã ban hành 2.637 quyết định thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật, ủy thác thi hành án đối với 276 trường hợp.
Bên cạnh đó, tòa án cũng thành lập hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với 1.239 phạm nhân. Xét giảm và tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với 930 phạm nhân cải tạo tốt…
Trên cơ sở giải quyết các vụ án, TAND hai cấp ở Đắk Lắk đã thu nộp ngân sách nhà nước từ án phí hơn 19 tỉ đồng.
Tuy vậy, TAND tỉnh Đắk Lắk thừa nhận quá trình thực thi nhiệm vụ vẫn còn một số khuyết điểm, thiếu sót. Một số sai sót trong quá trình giải quyết vụ án chưa được khắc phục triệt để. Các bản án, quyết định bị hủy, sửa chủ yếu là do vi phạm thủ tục tố tụng. Việc điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện; đưa thiếu người tham gia tố tụng...
Ngoài ra, công tác phối hợp với VKSND cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm (đối với vụ án dân sự, hành chính) còn ít…
TAND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm, thiếu sót này là do “áp lực” phải giải quyết các vụ việc hằng năm rất lớn. Đắk Lắk là địa phương có số lượng án phải giải quyết cao nhất ở các tỉnh vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Trung bình, mỗi thẩm phán phải giải quyết 100 vụ/năm, tương đương 8,5 vụ/tháng. Trong khi biên chế của một số đơn vị trực thuộc chưa đủ để đáp ứng nhu cầu công việc…