Đắk Lắk: Những trường vùng khó khăn được hưởng lợi từ chương trình mục tiêu quốc gia

(PLO)- Cơ sở hạ tầng của các trường phổ thông dân tộc nội trú ở những vùng khó khăn tỉnh Đắk Lắk được đầu tư bài bản, ngày càng rút ngắn khoảng cách với các trường ở trung tâm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-12, ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết sở đã triển khai các dự án giai đoạn I (2021-2025) theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn,tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: HOÀI AN.jpg
Trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn. Ảnh: HOÀI AN

Cơ sở hạ tầng không thua kém các trường lớn

Tiếng trống trường vừa kết thúc buổi học buổi chiều, đông đảo học sinh Trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn tập trung, rồi chia thành nhiều đội để chơi môn bóng đá mini.

“Trong lớp em, bạn nào cũng thích môn bóng đá. Trước đây, khi chưa có sân bóng mini, nhóm học sinh chúng em tự tổ chức chơi trên nền xi măng. Lắm lúc chạy trên mặt sân, em có cảm giác bỏng rát đôi bàn chân. Kể từ khi làm xong sân bóng mini, cả trường đặc biệt là các bạn nam ai cũng thích, phải chia thành nhiều đội để bốc thăm thời gian. Sân bóng trở thành điểm vui chơi bổ ích cho chúng em” – em Điểu Y Pha Bkrông học sinh lớp 8A, Trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn chia sẻ.

Theo thầy, thầy Kiều Thành Giang, Hiệu trưởng Trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn, sân bóng mini là một trong nhiều cơ sở hạ tầng được Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đầu tư cho nhà trường. Các danh mục đầu tư nằm trong việc thực Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Cơ sở hạ tầng Trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn đã được xây dựng khang trang nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia. Ảnh. HOÀI AN.jpg
Cơ sở hạ tầng Trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn đã được xây dựng khang trang nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia. Ảnh. HOÀI AN

“Dự án còn được triển khai ở các hạng mục khác như sân bóng chuyền, nhà văn hóa cộng đồng. Bên cạnh đó, hệ thống sân trường, ký túc xá, bếp ăn, nhà thi đấu đa năng cũng được cải tạo, sửa chữa lại như mới. Nhờ có sự đầu tư này, vừa qua Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cùng đoàn kiểm tra liên quan đã tiến hành thẩm định, trường chúng tôi đã đạt chuẩn mức độ 2” – thầy Kiều Thành Giang cho hay.

Còn thầy Võ Đại Luân - Hiệu trưởng trường Trường PTDTNT – THCS huyện Krông Ana cho biết, năm học 2022 - 2023, nhà trường được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình mới như: phòng ở bán trú học sinh; nhà bếp, nhà ăn, nhà kho; nhà sinh hoạt giáo dục văn hoá dân tộc; phòng học, phòng bộ môn; công trình vệ sinh, nước sạch,.. Những công trình này sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giúp cho các em học sinh DTTS có thêm các điều kiện để học tập.

Sẽ tiếp tục triển khai dự án để những vùng sâu vùng xa được hưởng lợi

Ông Đỗ Tường Hiệp thông tin thêm, trong giai đoạn I thực hiện dự án (từ 2021-2025), Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí gần 350 tỉ đồng để thực hiện.

Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1719 để thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 5.

Học sinh trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn bên trong thư viện của nhà trường. Ảnh: HOÀI AN.jpg
Học sinh trường PTDTNT – THCS huyện Buôn Đôn bên trong thư viện của nhà trường. Ảnh: HOÀI AN

“Có nguồn kinh phí này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng bộ môn, nhà ở nội trú, bán trú, nhà ăn, nhà bếp, các công trình phụ trợ khác và mua sắm trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy - học, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh.

Mục tiêu trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng tỷ lệ học sinh đến trường, giảm dần lượng học sinh lưu ban, bỏ học; tăng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT. Từ đó, làm cho hệ thống giáo dục ở các trường PTDTNT, trường phổ thông dân tộc bán trú rút ngắn khoảng cách với các địa bàn ở các trung tâm là thị trấn, thành phố, thị xã…” – ông Đỗ Tường Hiệp cho hay.

Vẫn theo vị phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua sở còn triển khai các kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, khả năng nhận thức của học sinh. Đó là mở các lớp tập nói tiếng Việt trong hè cho trẻ mầm non 5 tuổi, tăng cường thời lượng dạy tiếng Việt cho các lớp đầu cấp, phụ đạo học sinh yếu.

Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng đề nghị các trường Tiểu học cũng tập trung tối đa thời lượng để dạy tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS từ 2 tiết - 4 tiết/tuần; tăng cường tiếng Việt theo tài liệu Đề án tăng cường tiếng Việt lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 đã được Bộ GDĐT thẩm định và phê duyệt; tổ chức các hoạt động đọc sách, giao lưu tiếng Việt; tổ chức sân chơi “Trạng Nguyên Tiếng Việt” qua internet.

Ông Đỗ Tường Hiệp, thông tin, tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm gần 34% số lượng học sinh toàn tỉnh, nhiều xã, thôn, buôn điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. “Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa vô cùng lớn, trong thời gian tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, cũng như các sở ngành triển khai có hiệu quả, nhằm mang lại lợi ích thiết thực đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT” – ông Hiệp nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm