Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định đã gửi tối hậu thư yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án số 25 bãi nhiệm đương kim Tổng thống Donald Trump. Nếu ông Pence không phản hồi thì Hạ viện sẽ bỏ phiếu về các điều khoản luận tội ông Trump vào ngày 13-1 (giờ địa phương). Hãng tin Politico dẫn một số nguồn tin nội bộ cho biết đã có 218 nghị sĩ ủng hộ việc luận tội ông Trump, đủ để các điều khoản được thông qua và đẩy lên Thượng viện - nơi sẽ xét xử.
Nếu các điều khoản được thông qua tại Thượng viện với đa số 2/3 thì ông Trump sẽ chính thức bị kết án và bị tước mọi ưu đãi dành cho cựu tổng thống Mỹ sau khi rời nhiệm sở, như được an ninh hay nhận lương hưu, đồng thời bị cấm tái tranh cử.
Luận tội ông Trump - nên hay không?
Nhìn chung, dựa vào tuyên bố của bà Pelosi cùng một số nghị sĩ Dân chủ khác, đảng này muốn luận tội ông Trump với cáo buộc kích động bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội làm ít nhất năm người thiệt mạng. Cho tới nay, ông Pence không có dấu hiệu gì sẽ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của đảng Dân chủ nên việc biểu quyết luận tội ông Trump gần như chắc chắn sẽ diễn ra.
Tuy nhiên, tờ The Wall Street Journal nhận định trong bối cảnh nền chính trị Mỹ đang hỗn loạn, luận tội ông Trump có thể sẽ là một bước lùi nguy hiểm trong nỗ lực hàn gắn đất nước.
Một trong những lo ngại hàng đầu hiện nay là nguy cơ phe ông Trump cùng các nhóm chính trị cực hữu có thể sẽ tiến hành bạo loạn, phá rối lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20-1 tới. Nếu ông Trump bị luận tội, những đối tượng quá khích càng có cớ để bạo loạn nhằm “đòi lại công bằng” cho ông. Tình trạng bất ổn thậm chí sẽ còn kéo dài ngay cả khi chính quyền mới chính thức đi vào hoạt động, bởi trong mắt người ủng hộ ông Trump, ông đã bị đảng Dân chủ o ép và dùng quyền lực cưỡng chế một cách không hợp lý. Do vậy, cách giải quyết hợp lý lúc này là đảng Dân chủ cứ để ông Trump tại vị đến ngày ông hết nhiệm kỳ vì hiện ông Trump cũng không còn thời gian để làm bất cứ việc gì có thể gây hại đến đảng này nữa.
Tiêu điểm Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ngày 11-1 vừa ra cảnh báo về khả năng có những vụ tấn công vũ trang đang được các nhóm cực đoan lên kế hoạch nhắm vào thủ đô Washington, D.C. và thủ phủ của toàn bộ 50 bang trước lễ nhậm chức ngày 20-1 của ông Biden. |
Điểm tiếp theo mà The Wall Street Journal đề cập là khả năng ông Trump bị kết án khá thấp, vì những hành động của ông vẫn chưa vi phạm hiến pháp. Mọi cáo buộc đảng Dân chủ nhắm vào ông Trump chỉ dựa vào vài dòng trạng thái trên trang cá nhân của ông chứ không đưa ra được bằng chứng là ông trực tiếp cùng người biểu tình lên kế hoạch bạo động hôm 6-1. Thậm chí, nếu so sánh với lần luận tội bất thành tháng 12-2019 với cáo buộc ông lạm dụng quyền lực để can thiệp vào nội bộ chính trị Ukraine thì những cáo buộc lúc đó vẫn có sức nặng hơn những gì đảng Dân chủ đưa ra lúc này.
“Hơn nữa, các thành viên đảng Dân chủ đã có những hành xử thiếu trách nhiệm, thậm chí thiếu kiềm chế trong những nỗ lực luận tội Tổng thống Trump suốt bốn năm qua. Chỉ cần ông Trump có một lỗi sai nào đó là lập tức họ đòi luận tội. Những kịch bản được bà Nancy Pelosi dựng lên chưa bao giờ đủ tính thuyết phục và đều mang tính trả đũa chính trị hơn là bảo vệ và thực thi hiến pháp Mỹ” - theo The Wall Street Journal.
Tổng thống Donald Trump phát biểu trước đoàn người biểu tình gần tòa nhà Quốc hội hôm 6-1. Ảnh: REUTERS
Đảng Cộng hòa trước lựa chọn khó khăn
Theo tờ The Hill, những ngày sắp tới khi đảng Dân chủ bắt đầu thúc đẩy tiến trình luận tội ông Trump sẽ là giai đoạn khó khăn cho các nghị sĩ Cộng hòa, phải đứng trước lựa chọn là nên bảo vệ ông Trump hay hòa cùng các đồng nghiệp Dân chủ.
Dù đúng từ lúc kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến nay đã có hàng loạt thành viên Cộng hòa công khai chỉ trích những hành động của ông Trump, đứng về phe đảng Dân chủ và sau ngày 6-1 thì con số này thậm chí còn tăng lên theo cấp số nhân. Tuy nhiên, có thực tế là một con số rất lớn lên tới hàng chục triệu cử tri bảo thủ vẫn đang ủng hộ ông Trump. Nếu tham gia luận tội ông Trump, đảng Cộng hòa phải đối mặt với nguy cơ bị cử tri quay lưng, ảnh hưởng đến kỳ bầu cử năm 2024.
Một giải pháp được một số nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ lúc này là Thượng viện thay vì mở phiên xét xử thì chỉ cần ra nghị quyết công khai khiển trách ông Trump. Một số thành viên của đảng được cho là đã tiếp cận ông Biden và thuyết phục ông ủng hộ động thái này, đồng thời cảnh báo việc luận tội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa phe Cộng hòa và ông. Tuy nhiên, hiện đảng Cộng hòa đã mất quyền kiểm soát lưỡng viện nên nhiều khả năng nghị quyết sẽ khó được thông qua.
Ngoài ra, một diễn biến khác cũng khá có lợi cho đảng Cộng hòa hiện tại là Thượng viện đang tạm nghỉ nên dù Hạ viện có gửi điều khoản luận tội thì phải đến hôm 19-1, là ngày Thượng viện làm việc lại, mới có thể bắt đầu phiên xét xử. Lúc đó, ông Trump hoặc đảng Cộng hòa có thể tìm cách trì hoãn để ông có thể thành công kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20-1.•
Ông Trump, ông Pence đã nói chuyện lại với nhau Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence ngày 11-1 đã nói chuyện lại với nhau kể từ khi xảy ra vụ bạo loạn hôm 6-1. “Hai ông đã có một cuộc trò chuyện vui vẻ, thảo luận về sự kiện tuần trước và suy ngẫm về những thành tựu, công việc của chính quyền trong bốn năm qua” - một quan chức Nhà Trắng giấu tên tiết lộ. Người này cũng thêm rằng cả hai ông cam kết “tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ”. Reuters cho biết đây cũng là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai người sau khi ông Trump chỉ trích ông Pence là “thiếu can đảm” “để làm những việc cần thiết” - ở đây là ông Pence đã không can thiệp để ngăn Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Một nguồn tin khác còn cho biết khi bạo loạn nổ ra, Tổng thống Trump thậm chí còn không gọi điện thoại để thăm hỏi tình hình cấp phó của mình. Ông Pence lúc đó buộc phải sơ tán khỏi tòa nhà Quốc hội vì đám đông ủng hộ ông Trump xông vào bên trong. |
(PLO)- Phía ông Pence lo ngại nếu ông xúc tiến phế truất hay thực hiện tiến trình luận tội thì ông Trump có thể sẽ có hành động đặt nước Mỹ vào rủi ro.