Israel đã phong tỏa toàn diện Gaza, chặn tất cả nguồn cung thực phẩm, nước, nhiên liệu và điện cho Dải Gaza để đáp trả vụ tấn công bất ngờ của phong trào vũ trang Hamas vào ngày 7-10 khiến 1.400 người Israel thiệt mạng.
Nhiều lò bánh mì ở Gaza đã ngừng hoạt động vì thiếu bột mì và nhiên liệu cho lò nướng. Hàng dài người dân, có khi đến hàng trăm người, chờ đợi hàng giờ để mua bánh mì. Giá cả lượng thực phẩm ít ỏi còn lại trong các cửa hàng, chủ yếu là đồ khô và rau củ, tăng vọt khiến nhiều người không mua nổi, theo tờ The Wall Street Journal.
Ông Mohammad Jaafar, một người dân ở TP Rafah (miền Nam Gaza), cho biết hầu như mỗi ngày ông phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để xếp hàng mua bánh mì và phải chờ tới 6 tiếng mới tới lượt. Sau khi mua bánh mì thì ông lại phải tiếp tục chầu chực xếp hàng mua nước, mua thực phẩm ở chợ.
Ông Maree Abdul Kareem, sống ở TP Deir al-Balah (miền Trung Gaza), nói rằng gia đình ông phải ăn tiết kiệm để dành một ít dự phòng cho con cái trong thời gian tới bởi ông cho rằng tình hình tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Tổ chức nhân đạo Oxfam International ước tính rằng kể từ khi xung đột bùng nổ vào ngày 7-10, chỉ có khoảng 2% lượng thực phẩm cần thiết để nuôi sống người dân được gửi vào Gaza. Theo bản cập nhật vào cuối ngày 30-10 của Chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên hợp quốc (LHQ), nguồn cung thực phẩm thiết yếu của Gaza sẽ hết sau bảy ngày nữa.
Người đứng đầu Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini cảnh báo rằng bên cạnh việc khan hiếm thuốc men, nước thì đường phố Gaza đã bắt đầu tràn ngập nước thải và điều này sẽ sớm gây ra mối nguy lớn cho người dân ở đây.
Cùng ý kiến, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề về nước và vệ sinh cho LHQ, cũng cảnh báo rằng “tình trạng thiếu nước sạch và thiếu đảm bảo vệ sinh đang trên đà trở thành một thảm họa”.
TS Kellogg Schwab, giảng viên chuyên về nước và sức khỏe cộng đồng tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ), lo ngại về nguy cơ dịch bệnh khi nước thải đang tích tụ trên đường phố và người dân sơ tán đang phải chen chúc ở những nơi trú ẩn thiếu vệ sinh trong khi họ không có đủ nước để tắm rửa, vệ sinh.
Theo báo cáo của UNICEF ngày 17-10, lượng nước sẵn có ở Gaza hiện ở mức 5% so với bình thường và người dân Gaza đang sống với ít hơn 3 lít nước mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 50 lít, vốn là mức tối thiểu cần thiết để đáp ứng các nhu cầu cơ bản bao gồm uống, nấu ăn và vệ sinh.