Anh Minh có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng, có nhân chứng là khách hàng khẳng định lúc ấy anh đang sửa xe cho họ. Sau đó, VKSND huyện Cần Giờ đình chỉ điều tra anh với cơ sở “do chuyển biến của tình hình”.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về vụ án oan này nữa vì người mà VKSND truy tố được xác định là ngoại phạm và không thực hiện hành vi phạm tội. Điều đáng nói ở đây là không hiểu tại sao VKSND huyện Cần Giờ (TP.HCM) lại không biết đâu là trường hợp “chuyển biến tình hình” quy định tại khoản 1 Điều 25 BLHS với trường hợp không thực hiện hành vi phạm tội!?
Nếu nói “do chuyển biến của tình hình” thì trước hết VKSND huyện Cần Giờ phải xác định anh Trần Hoàng Minh là thủ phạm, đã thực hiện hành vi phạm tội rồi mới xác định “do chuyển biến của tình hình” mà hành vi trộm cắp của anh Minh không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì mới được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Còn ở đây do không chứng minh được anh Minh có hành vi phạm tội nên nói bừa rằng “do chuyển biến của tình hình”! Đã vậy khi anh Minh khiếu nại, họ còn nói “đã hết thời hiệu”! Thế nào là hết thời hiệu? Đúng là “miệng quan có gang có thép”!
Đây không phải là trường hợp cá biệt trong việc cơ quan tố tụng làm oan người vô tội rồi đình chỉ như vậy để né trách nhiệm bồi thường. Thái độ này của lãnh đạo VKSND huyện Cần Giờ cần phải được VKSND TP.HCM làm rõ và xử lý thật nghiêm chứ không thể chỉ rút kinh nghiệm qua loa, trong khi người dân thì bị oan ức, dư luận thì bức xúc. Tôi rất nhớ câu nói nổi tiếng và cũng rất thẳng của cố Chánh án TAND Tối cao Trịnh Hồng Dương mỗi lần thấy cấp dưới làm sai nhưng vô cảm trước vận mệnh của người dân: “Không biết chúng nó ăn cái gì mà làm như vậy”!
Làm oan một người là làm một việc ác, minh oan cho một người là một việc trừ ác. Không biết vì sao cho đến nay Nhà nước ta chưa có chế tài xử lý những người làm oan cho người vô tội, công khai cho toàn dân biết để người dân tố cáo những hành vi vô cảm đối với thân phận của người dân bị oan. Ngay cả việc khi phải xin lỗi, bồi thường oan cũng người đứng đầu cơ quan tố tụng ra xin lỗi, còn người làm oan thì vẫn chẳng thấy đâu!
Có lẽ lãnh đạo các ngành tố tụng cần vào cuộc để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của mình, kiểm tra, xử lý thật nghiêm rồi công khai xin lỗi người dân và dư luận. Có như vậy mới lấy lại lòng tin của nhân dân vào công lý, vào các cơ quan tiến hành tố tụng.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao