Dân - quan và văn hóa mạng xã hội

Mặc dù mạng Internet Việt Nam có tới 40 triệu người sử dụng, trong đó khoảng 30 triệu người có tài khoản mạng xã hội nhưng rất ít người có ý thức đề ra và thực hiện những nguyên tắc ứng xử.

Kiện người “nói xấu”: Nên ra khỏi ghế quyền lực hãy làm

. Sự việc ba người dân An Giang bị phạt và kỷ luật vì “like” và bình luận về ông chủ tịch tỉnh trên Facebook đang là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Ông quan tâm về việc này không?

Dân - quan và văn hóa mạng xã hội ảnh 1
 
+ Chuyên gia Hiệu Minh - cựu chuyên gia công nghệ thông tin Ngân hàng Thế giới, hiện là cây bút tự do với lượng bạn đọc hàng ngàn người mỗi ngày: Việc người dân bình luận về quan chức nói chung là việc hết sức bình thường, thậm chí còn là điều tốt vì có nghĩa rằng người dân vẫn còn quan tâm tới chính quyền. Sợ nhất là người dân không quan tâm, không biết ai là chủ tịch tỉnh, không rõ chính quyền địa phương mình có những ai hay đang làm gì.

Còn về quyết định xử phạt hành chính thì lại rất bất bình thường. Người bị chỉ trích kênh kiệu trên Facebook là một quan chức trong khi người bị xử phạt là một người dân, hoàn toàn không có sự đối xứng. Cụ thể cần nhìn nhận ở ba điểm: Một là, quan chức tức là người đại diện cho dân, nhận lương từ tiền thuế của dân nếu không làm được việc, thái độ không tốt, bị dân chê trách thì quan chức đó phải tiếp thu, phải sửa đổi chứ không phải đáp trả bằng quyết định hành chính như thế. Hai là, quan chức - tức là có quyền lực, trong khi người dân thì không có gì thì trong mối quan hệ giữa quan chức và người dân rõ ràng là không cân xứng, nếu quan chức và người dân có tranh chấp thì chắc chắn cơ quan chức năng phải nghe theo quan chức chứ không phải người dân. Trước khi ba công dân kia bị phạt họ cũng không có cơ hội để lên tiếng giải thích hay phản biện bất kỳ điều gì. Như vậy là thiếu dân chủ, công bằng.

. Nói như vậy thì có nghĩa là quan chức không được tự bảo vệ trước những lời phê phán, tấn công trên mạng xã hội, trong khi họ cũng là công dân?

+ Nói vậy cũng có phần đúng. Làm lãnh đạo phải biết lắng nghe cả những điều tích cực và tiêu cực. Tất nhiên “tiêu cực” ở đây có nghĩa là phê bình, góp ý chứ không phải chửi bới vô ý thức. Nếu không nghe được thì rõ ràng không xứng đáng làm lãnh đạo và nên từ chức.

Tất nhiên quan chức cũng có quyền công dân, tức là họ có thể phản biện lại, kiện lại ý kiến người chê trách mình nếu cho là không đúng nhưng phải ra khỏi vai trò quan chức để mà kiện với tư cách công dân thông qua tòa dân sự. Ví dụ như ở Mỹ, ông chỉ huy trưởng sở cảnh sát của New York bị dân chê dữ lắm. Ông này cũng rất tức giận và định kiện lại người chê mình nhưng rất nhiều người khuyên ông ấy không được làm thế vì ông ấy là người sống bằng tiền đóng thuế của dân. Ông ấy phải thực thi tốt công việc của mình. Còn nếu ông ấy muốn kiện, ông ấy phải kiện người kia bằng tư cách công dân của mình chứ không phải bằng tư cách chỉ huy trưởng Sở Cảnh sát New York. Khi đấy hai bên mới cân bằng về tư cách và kết quả vụ kiện mới làm người ta khâm phục.

Tóm lại, nếu khi quan chức đó đã ra khỏi cái ghế quyền lực mà dân trao cho rồi thì tha hồ, muốn làm gì thì làm nhưng đang quyền cao chức trọng thì không nên.

Khái niệm “người của công chúng”

. Như vậy chả lẽ một công dân có thể sử dụng quyền tự do biểu đạt của mình trên mạng xã hội một cách thoải mái, kể cả là dùng quyền đó để xâm phạm những sự tự do của người khác hay sao?

+ Đấy là hai khái niệm khác nhau. Quyền tự do biểu đạt, tức là toàn quyền bày tỏ suy nghĩ của mình dù được bảo hộ nhưng phải đảm bảo đúng luật, tức là không xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Ở Mỹ thì có Luật Chống phỉ báng, ở Việt Nam thì có quy định không xúc phạm danh dự và nhân phẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp của An Giang thì không phải là mối quan hệ cân bằng giữa hai công dân với nhau nên không áp dụng quy định này được.

. Tôi thấy nhiều quốc gia phát triển có một khái niệm là “người của công chúng” và hình như họ phải chịu thiệt thòi hơn người bình thường?

+ Đúng. Chính khách, nghệ sĩ hay cầu thủ nổi tiếng thuộc diện “người của công chúng” nên đương nhiên phải chịu sự săm soi của công chúng. Ví dụ, Tổng thống Mỹ Barack Obama thi thoảng lại bị người dân cầm biển rồi hô vang chỉ trích ông ấy là tội phạm chiến tranh chẳng hạn. Nói như thế là xúc phạm ông ấy vì ông ấy có làm đâu nhưng ông Obama không có quyền kiện lại công dân đó. Ông Obama mà kiện lại thì ông ấy có thể thắng ở tòa án nhưng sẽ thua trước dư luận vì những công dân đó là người đóng thuế cho Obama tồn tại.

. Nhưng ở Việt Nam thì không có khái niệm về người của công chúng, những người thuộc giới quan chức, ca sĩ, người nổi tiếng cũng như người bình thường. Luật pháp ta cũng nêu mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật?

+ Tôi nghĩ nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật thì đâu cũng thế. Tuy nhiên, tùy từng hệ thống mà áp dụng cách hành xử khác nhau. Cụ thể như vụ ông chủ tịch tỉnh An Giang, nếu thực sự bình đẳng thì hai người đó phải ra tòa dân sự và ông chủ tịch tỉnh kiện bà này vì lý do xúc phạm cá nhân nhưng trước khi kiện thì ông ấy phải ra khỏi vai trò chủ tịch tỉnh.

Không thể chạy theo mạng xã hội

. Xin quay lại chủ đề ban đầu, hiện Việt Nam có 40 triệu người dùng mạng Internet, trong đó có tới 30 triệu người có tài khoản mạng xã hội và việc họ bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội đang ngày càng phổ biến. Vậy làm thế nào để họ vừa đảm bảo quyền tự do bày tỏ, vừa đảm bảo không xâm phạm lợi ích hợp pháp của người khác?

+ Thế giới mạng là vô cùng, không bộ máy chính quyền nào có đủ nhân lực và khả năng để giám sát từng hoạt động, can thiệp từng nội dung được chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội...

. Nếu giả sử chúng ta có một nhóm các blogger thực hiện quản trị về mạng xã hội thì nhóm đó có khả năng xử lý những cá nhân có hành vi thiếu kiềm chế, chửi bới, công kích trên mạng xã hội ở Việt Nam hay không?

+ Trong chừng mực nào đó thì những blog nổi tiếng gần như đã làm được chuyện đó nên tôi tin rằng mạng xã hội nói chung cũng có thể làm được.

Lý do đơn giản là cộng đồng rất lớn, những người có tri thức tham gia trên mạng xã hội rất đông. Nếu thành viên nào chửi bới hay có hành vi xấu thì sẽ nhanh chóng bị “bóc mẽ” và cô lập. Ví dụ trong blog của tôi, cứ ai chửi bới hoặc có hành vi tấn công cá nhân là tôi xóa nick họ ngay. Tôi cũng đề xuất những quy tắc ứng xử cơ bản trong phạm vi blog của mình để mọi người cùng xây dựng một môi trường lành mạnh. Dần dần những bạn đọc khác cũng hiểu rằng trong phạm vi blog của mình thì phải cư xử có văn hóa, trên tinh thần góp ý xây dựng. Tôi tin là nếu có nhiều blogger cùng làm điều đấy thì sự văn minh trên mạng xã hội sẽ được nhân rộng và lấn át những tiếng nói cộc cằn.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm