Ban đầu mọi người cũng viết linh tinh, chửi linh tinh trên blog nhưng từ khi có quy tắc ứng xử, giống như là hiến pháp của một quốc gia vậy, tôi có cơ sở để loại những người nói tục, chửi bậy. Những người khác cũng rất ủng hộ, họ cũng giúp tôi điểm mặt chỉ tên những người nói bậy để tôi dễ bề “mời” ra khỏi blog. Sau một thời gian, tôi thấy các phản hồi có chất lượng hơn và bây giờ mọi người bình luận nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Tôi viết blog từ năm 2009 đến nay là sáu năm, tôi thấy rõ uy tín của giới blogger, Facebooker ngày càng cao hơn. Đây cũng là xu hướng chung của toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Tôi cho rằng với xu hướng này thì Chính phủ nên thả lỏng thì xã hội mới phát triển được. Tranh luận trên mạng xã hội mang tính đa chiều, vừa để bày tỏ quan điểm vừa để tìm kiếm các cách giải quyết vấn đề. Chỉ có sự tự do mới thúc đẩy sáng tạo được.
Hơn nữa mạng xã hội có đến mấy chục triệu tài khoản, nhiều tài khoản còn không xác định được nhân thân thì nhà nước nào quản lý nổi? Cá nhân tôi cho rằng chỉ những gì liên quan đến an ninh quốc phòng hoặc ổn định chính trị thì Nhà nước mới nên can thiệp, còn sự phát triển của mạng xã hội nên trao vào tay của chính những người hoạt động trên mạng xã hội. Nếu các blogger nổi tiếng và các diễn đàn có uy tín đứng ra xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho “cư dân mạng” và thúc đẩy sự thực thi bộ quy tắc này thì tôi tin chắc mạng xã hội sẽ trở nên lành mạnh hơn bây giờ rất nhiều.
“Bộ quy tắc ứng xử trên Internet là rất cần thiết” Tôi kêu gọi mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Hãy đưa thông tin, hình ảnh, số liệu một cách có ý thức, có trách nhiệm và chia sẻ thông tin, hình ảnh, số liệu cũng với ý thức và trách nhiệm cao. Các “công dân mạng” hãy cùng nhau đấu tranh vì lẽ phải, công bằng và những giá trị cao đẹp để thiết lập, duy trì và phát triển môi trường Internet văn minh ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh ngày Toàn cầu vì Hòa bình và An ninh Internet với chủ đề "Vì một môi trường Internet tinh khiết và trong sạch" và đánh giá cao sáng kiến xây dựng bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet do các chính khách, giáo sư của Diễn đàn toàn cầu Boston khởi xướng. Trong khi thế giới tiếp tục tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, xây dựng luật pháp quốc tế về an ninh Internet thì bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet là rất cần thiết. (Trích bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân ngày Việt Nam kết nối Internet 19-11) Quy tắc ứng xử trên blog Hiệu Minh 1. Độc giả mọi lứa tuổi và khả năng đều có thể tham gia cộng đồng; 2. Các đóng góp phải văn minh, lịch sự; 3. Ý kiến ngắn gọn, tránh mất tập trung vào chủ đề đang bàn thảo; 4. Không có hành vi quậy phá, lăng mạ, ý kiến phải mang tính xây dựng; 5. Nội dung không gây chướng tai gai mắt: Diễn đàn không chấp nhận các ý kiến mang giọng tấn công cá nhân bao gồm phỉ báng, hăm dọa, khiếm nhã về tình dục, sắc tộc, tôn giáo hay đức tin; 6. Không gửi ý kiến mang tính chất quảng cáo; 7. Không mạo danh; 8. Không miệt thị hay phỉ báng chế độ dẫn đến bị quy kết tội chính trị; 9. Không dùng tên truy cập không phù hợp (khiếm nhã, quấy rối); 10. Không lạm dụng chức năng khiếu nại; 11. Không dùng nick khác nhau; 12. Không đăng ảnh sex, tội ác. Không đăng ảnh các nghi phạm của các trọng án, nếu đăng phải che mặt. Nguyên tắc ứng xử để tránh rủi ro Theo báo cáo nghiên cứu “Năng lực báo chí điều tra ở Việt Nam” do MEC thực hiện và công bố ngày 23-11 sắp tới, phần về nhóm “nhà báo công dân” trên mạng xã hội được nhận xét như sau: “Nhóm đối tượng “nhà báo công dân” có sự chênh lệch rất lớn về tất cả các mặt: kiến thức, kỹ năng, thiết bị sử dụng cũng như nhận thức xã hội. Sự chênh lệch này trong môi trường thông tin ẩn danh và hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh đã đem lại rủi ro đáng tiếc cho một số “nhà báo công dân”, tuy rằng ở một số vụ việc cụ thể tác động của nhóm này có hiệu quả rõ rệt và mang tính tích cực”.
Bản báo cáo này cũng đưa ra hai khuyến nghị đối với nhóm "nhà báo công dân": - Cần xây dựng các nguyên tắc tác nghiệp và ứng xử trên mạng xã hội; - Tích cực đào tạo kỹ năng nghiệp vụ và tôn trọng các khía cạnh đạo đức, văn hóa xã hội. |