Trong tuần qua, dư luận cả nước xôn xao chuyện Sở TT&TT tỉnh An Giang căn cứ vào điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 của Chính phủ để xử phạt hành chính cô giáo Lê Thị Thùy Trang (Trường THPT Long Xuyên, An Giang) và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang).
Theo đó cô giáo Trang và ông Phúc mỗi người bị phạt 5 triệu đồng. Cô Trang còn bị trường kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật Viên chức, ông Phúc bị cơ quan xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty. Liên quan đến vụ việc này, vợ ông Phúc là bà Phan Thị Kim Nga (Phó Văn phòng Sở Công Thương) bị kỷ luật cảnh cáo về đảng và chính quyền.
Lý do xử phạt hành chính và xử lý về mặt đảng và chính quyền đối với ba cá nhân nêu trên vì những người này đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để bình luận “ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”.
Việc áp dụng pháp luật có một nguyên tắc là phải công bằng, quan cũng như dân. Nhưng xem ra trong việc xử phạt này Sở TT&TT tỉnh An Giang đã coi quan hơn dân rồi! Không biết sắp tới Sở TT&TT tỉnh An Giang có xử phạt tất cả những người khác dùng Facebook cá nhân để bình luận, nói xấu về nhau như việc nói về ông chủ tịch
hay không?!
Việc người dân dùng Facebook cá nhân để nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một việc cần
lên án. Nếu vu khống mà gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Facebook cá nhân cũng là phương tiện để người dân góp ý với những người lãnh đạo trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.
Không phải ngẫu nhiên cô giáo Trang nói ông chủ tịch tỉnh là “kênh kiệu, xa lánh dân”, mà xuất phát từ việc báo chí nêu “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang”.
Đa số ý kiến cho rằng việc đánh giá câu nói của cô giáo Trang của Sở TT&TT tỉnh An Giang chỉ ý chí chủ quan, suy diễn, vì “xúc phạm”đến người khác là làm tổn thương đến những gì mà người ta cho là cao quý, thiêng liêng. Câu nói của cô giáo Trang chỉ thể hiện quan điểm chứ không miệt thị hay xúc phạm ông chủ tịch tỉnh. Câu nói đó chỉ nên coi là lời bình luận của người dân với một lãnh đạo tỉnh. Không chỉ có dư luận, mà có cả những ý kiến của đồng chí nguyên là Bí thư tỉnh ủy An Giang, của đại biểu nhân dân cũng cho rằng,“đáng lý nên coi đó là câu nói bình thường, khi phát hiện chỉ nên yêu cầu xóa bỏ, nhắc nhở thôi”...
Tôi cũng đồng tình với đa số ý kiến cho rằng việc xử phạt cô giáo Trang và những người liên quan là không cần thiết, không có tính thuyết phục, chỉ làm cho dư luận bức xúc. Sao không xem đây là đòi hỏi, mong muốn của người dân, rằng chủ tịch tỉnh thì cần phải gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân hơn, đồng thời cũng tự xem lại mình, có đúng như cô giáo Trang nói không?
Với cương vị là chủ tịch tỉnh, tại sao không mời cô giáo Trang và những người liên quan đến phòng tiếp dân để giải thích, nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ, để họ tự viết trên Facebook của mình những dòng xin lỗi chủ tịch tỉnh, thì có phải thể hiện tinh thần cầu thị, có tình, có lý và chắc chắn dư luận sẽ hoan nghênh.
Khi còn sinh thời, Bác Hồ cũng thường nói, cán bộ là công bộc của dân chứ không phải ông quan hay ông vua! Học Bác thì ngay trong việc cư xử với người dân cũng phải với tinh thần đó!
Nếu ở An Giang chọn cách khác, người dân sẽ thấy chính quyền là của dân, vì dân! Còn cách làm của Sở TT&TT tỉnh sẽ tạo ra dư luận không tốt, thành chuyện bất thường, không chỉ không có tác dụng
giáo dục, răn đe, phòng ngừa mà còn làm xấu đi hình ảnh của vị chủ tịch tỉnh trong người dân.