Giá xăng tăng đội đỉnh kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng, như xe ôm công nghệ, phí giao hàng hay đồ ăn, gây nên áp lực lớn cho dân văn phòng khi mức lương vẫn đứng yên.
Quay cuồng trong bão giá
Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) than vãn: “Vì không có xe máy nên chị phải tốn chi phí khá cao, nếu trước đây chị đi mất 25.000 đồng/lượt thì bây giờ tăng lên 35.000 đồng/lượt, cả đi cả về cũng mất tới 70.000 đồng”. Thế nhưng chiều 13-6 xăng lại tiếp tục tăng, chị Phương sửng sốt.
Chưa dừng lại, giá đồ ăn và phí giao hàng cũng theo đó mà tăng cao. Một bát mì trộn thập cẩm có giá 55.000 đồng, cộng thêm phí ship 22.000 đồng khiến dân văn phòng như chị Phương đã nghèo thì nay lại càng nghèo hơn.
Giá cả leo thang khiến dân văn phòng đau đầu. Ảnh: TÚ NGÂN |
“Trước mắt, để tiết kiệm chi phí, những ngày tới tôi chỉ còn cách tự chuẩn bị đồ ăn ở nhà rồi đem lên văn phòng. Đến bữa ăn thì tôi cho vào lò vi sóng làm nóng, ăn cho qua bữa” - chị Phương buồn bã nói.
Còn anh Trần Trọng Khang (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết anh vừa đổ đầy bình xăng với giá 200.000 đồng. Anh Khang cho biết: “Mỗi ngày, tôi thường di chuyển 10 km từ chợ đầu mối Thủ Đức đến chỗ làm tại Khu công nghiệp Tân Bình. Trước đây, đổ đầy bình xăng chỉ mất 130.000 đồng, còn giờ phải mất tới 200.000 đồng, chi phí cho việc đi lại tăng lên rõ rệt”.
Được biết công ty của anh Khang vẫn hỗ trợ xe đưa rước cho nhân viên nên thời gian tới anh dự định sẽ bỏ hẳn xe máy ở nhà, đi theo chế độ đưa rước của công ty. Dù có hơi bất tiện nhưng sẽ tiết kiệm chi phí hơn trong thời gian này.
Xăng tăng, cái gì cũng tăng
Chị Trần Kiều Vy (32 tuổi, nhân viên tại một công ty xuất nhập khẩu) là mẹ của hai con nhỏ cũng loay hoay với bài toán cân đối chi phí sinh hoạt. Được biết gia đình chị có bốn người. Hằng ngày, hai vợ chồng chị đi làm nuôi hai con nhỏ đang học mẫu giáo.
Người nội trợ trong gia đình hẳn là thấy rõ nhất sự điều chỉnh giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm khi các loại nhiên liệu tăng chóng mặt trong nhiều đợt vừa qua. Khi được hỏi về giá một số thực phẩm cần thiết trong gia đình, chị Vy kể: “Gia đình có bốn người, đi chợ cả nhà khoảng 150.000 đồng cho bốn người, bây giờ hơn 200.000 đồng mới đủ. Cái gì cũng tăng, mệt mỏi quá chẳng muốn đi chợ. Nhân viên văn phòng như tôi còn chật vật trong bài toán bão giá, công nhân lương vài triệu đồng không biết xoay xở như thế nào mới đảm bảo cuộc sống”.
Những ngày này, trong giờ nghỉ trưa, thay vì kéo nhau ra quán như trước đây, chị Phạm Minh Ngọc (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) lại ngồi ở văn phòng kể lể với đồng nghiệp: “Ngày trước mua chai dầu ăn 5 lít giá 210.000 đồng, giờ đã tăng lên 290.000 đồng. Từ gạo, đường, mắm, muối… thứ gì cũng lên giá. Bó rau muống trước đây mua 10.000 đồng, nay tăng giá 15.000-20.000 đồng. Nhưng tôi cũng phải bấm bụng mua thôi chứ nhịn đâu có được”.
Giá cả leo thang trong khi tiền lương vẫn đứng yên, đối diện với bao nhiêu khoản chi, nào là tiền chợ, tiền học cho con, tiền điện, nước, tiền sinh hoạt… khiến dân văn phòng choáng váng.