CHUYÊN GIA THỦY ĐIỆN LÊ TRÍ TẬP:

Đang có “bệnh dịch” mang tên thủy điện!

Đến ngày 18-11 đã có 31 người chết, chín người mất tích do mưa lũ. Có 225 căn nhà bị sập, 166 nhà tốc mái và hơn 242.000 nhà bị ngập. Gần 3.000 ha lúa và hoa màu ngập úng, hư hỏng. Vùng “rốn lũ” bắc Quảng Nam gồm các huyện, TP Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An và huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tả tơi vì thủy điện xả lũ.

“Nhân tai và thiên tai đã cùng nhau giáng họa xuống miền Trung” - chuyên gia thủy điện Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thở dài khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ngày 18-11.

Chẳng ai quản lý, chịu trách nhiệm

. Ông vừa nhắc tới khái niệm “nhân tai”, vậy phải chăng đã có những sai lầm trong quy hoạch thủy điện, thưa ông?

Đang có “bệnh dịch” mang tên thủy điện! ảnh 1

+ Khi quy hoạch và xây dựng thủy điện, chúng ta đã không làm được hai việc lớn. Thứ nhất, các công trình thủy điện này không có tác dụng đa mục đích (phòng lũ, trữ nước tưới tiêu mùa hạn, cung cấp năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội….) mà chỉ nhằm mục đích duy nhất là phát điện thu tiền. Thứ hai, thủy điện đang tham gia “rất tích cực” vào việc phá rừng, làm diện tích đồi trọc tăng lên nên cứ mưa là nước chảy tuột xuống hạ du. Trước đây, cũng mưa to như thế nhưng nước lũ chỉ lên từ từ, trong khi bây giờ lũ lên rất nhanh. Chỉ trong 1 giờ, có nơi nước đã lên tới 1,5 m thì làm sao người dân chạy kịp?

Chưa bao giờ phong trào làm thủy điện phát triển ghê gớm như hiện nay, bởi làm thủy điện rất rẻ, mau hoàn vốn. Mạnh ai nấy làm, mạnh tỉnh nào tỉnh ấy duyệt. Chẳng có ai quản lý, chẳng có ai chịu trách nhiệm. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, cuối cùng người dân hạ du sẽ lãnh đủ hậu quả.

. Có hay không tình trạng các thủy điện cố tình tích nước, để rồi khi lưu lượng nước về quá lớn lại ồ ạt xả vì sợ vỡ đập?

+ Đó cũng là vì cái lợi trước mắt. Nếu các thủy điện xả cạn để đón lũ, lỡ thời tiết không mưa thì năm đó sẽ không đủ nước để phát điện. Không phát điện được thì chủ đầu tư sẽ lâu hoàn vốn. Do vậy, họ cứ tranh thủ tích nước tới đâu hay tới đó.

Đang có “bệnh dịch” mang tên thủy điện! ảnh 2

Cháu Nguyễn Hoàng Phương Linh (20 tháng tuổi, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khóc ré khi được giải cứu sau một đêm mắc kẹt vì nước lũ lên nhanh. Ảnh: LÊ PHI

Đáng lý trong quá trình làm thủy điện thì chủ đầu tư phải làm một hồ chứa dự phòng. Ví dụ, chủ đầu tư làm hồ 500 triệu m3 để phát điện thì phải làm dự phòng thêm 200 triệu m3 nữa. Để khi nước trong hồ đủ 500 triệu m3 rồi thì vẫn giữ được nước cắt lũ cho hạ du. Ngoài ra, phải căn cứ vào tình hình thời tiết để phòng lũ. Đến một thời điểm cụ thể, phải xả xuống mức thấp nhất để chuẩn bị đón mưa lũ. Nước đến thì vừa tích trữ vừa xả bớt để đến khi kết thúc mùa mưa là hồ đầy. Nhưng các thủy điện hiện nay không điều tiết linh hoạt như vậy. Do đó cứ mùa mưa là họ trữ đầy. Lúc hạ du ở báo động 1 thì không xả mà khi lên báo động 2, 3 (lúc này nước về hồ cũng đầy - PV) lại xả ào ào xuống vì sợ vỡ đập.

Quy trình xả lũ: Có cũng như không

. Vì sao quy trình xả lũ đã có nhưng chẳng thủy điện nào quan tâm, cũng chẳng thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm với người dân, thưa ông?

+ Chúng ta đã có quy trình vận hành xả lũ liên hồ rồi nhưng quy trình này đâu có ai giám sát nên chẳng có ý nghĩa gì hết. Vì vậy, thủy điện nào thấy hồ mình đầy là cứ xả, chẳng quan tâm tới quy trình. Còn trách nhiệm đối với người dân vùng hạ du thì chỉ đổ tội cho trời thôi. Tất cả đều do thiên tai, chả ai chịu trách nhiệm hết.

Đang có “bệnh dịch” mang tên thủy điện! ảnh 3

Hàng ngàn nhà dân ngập sâu sau khi thủy điện xả lũ. Ảnh: LÊ PHI

Hiện nay, chúng ta mới chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt là bình quân một nhà máy thủy điện đóng góp ngân sách khoảng 50-60 tỉ đồng/năm. Nghe con số này thì lớn, thế nhưng thủy điện xả một trận lũ thì thiệt hại (không kể về tinh thần, nhân mạng) không biết bao nhiêu mà tính. Bây giờ tỉnh Quảng Nam duyệt tới mấy chục thủy điện. Thời tôi không có cái “bệnh dịch” tràn lan làm thủy điện như vậy đâu.

. Dường như công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang tiếp tục bị coi nhẹ, thưa ông?

+ Theo tôi, nên đem các anh đánh giá ĐTM ra xử tội hết. Nói thật, các anh ấy đánh giá ĐTM chỉ qua loa, đại khái để lấy kinh phí mà thôi chứ chẳng có trách nhiệm gì cả. Bởi thế mới có chuyện nhân bản các ĐTM, lấy của thủy điện này ghép cho thủy điện khác như báo chí từng phản ánh.

Ngoài ra, mỗi bản ĐTM chỉ làm cho một thủy điện là sai lầm rất lớn. Điều cần thiết nhất là phải có ĐTM đánh giá ảnh hưởng của toàn bộ nhà máy thủy điện trên hệ thống sông đó. Từ đó mới có thể tính toán hết các hệ lụy, tác động tổng hợp đối với tự nhiên, con người ở trên và khu vực hạ du một con sông. Bây giờ, các anh ấy cứ đánh giá ĐTM thủy điện của mình mà chẳng cần biết đến khu vực xung quanh. Như thế là không thể chấp nhận được.

. Trước tình hình lũ càng ngày càng nghiêm trọng, chúng ta có nên dừng hoạt động của các thủy điện nhỏ?

+ Cái này là Nhà nước phải vào cuộc. Trong trường hợp lũ lớn uy hiếp vùng hạ du thì nên yêu cầu các thủy điện xả cạn hồ đón lũ. Nếu vào mùa khô, thủy điện đó thiếu nước để phát điện thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ. Làm được như vậy thì chắc chắn sẽ giảm được lũ lụt và người dân sẽ không khốn khổ như hiện nay.

. Xin cảm ơn ông.

Trách nhiệm chưa cao, dân còn chịu khổ

Thủy điện đã và đang gây ra khá nhiều hệ lụy, nguyên nhân một phần do căn bệnh lợi ích cục bộ của các thủy điện. Như vừa rồi, dự báo thời tiết là có mưa bão lớn, vậy mà thủy điện nào cũng cố tích nước, không chịu xả. Đến khi có mưa lớn, họ lại đồng loạt xả nước gây ra lụt nghiêm trọng. Hay như thủy điện Sông Tranh 2, Chính phủ chỉ đạo không cho tích nước ở cao trình 161 m. Nhưng rõ ràng họ đã không tuân thủ, khi nước về thì cao trình của hồ đã là 166 m.

Một nguyên nhân nữa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Theo tôi, cách trả lời của bộ trưởng Bộ Công Thương trong phiên thảo luận tại Quốc hội về quy hoạch tổng thể thủy điện (“quy hoạch thủy điện là chúng ta nói về chúng ta chứ không phải Chính phủ hay bộ này, bộ khác”) là chưa có trách nhiệm. Anh nói như thế là hòa cả làng, không bao giờ sửa sai được. Anh phải thấy rằng mặc dù phân cấp quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa là do địa phương nhưng về mặt vĩ mô, anh quản lý nhà nước thì phải có trách nhiệm rà soát chứ. Chứ anh cứ với tư tưởng “chúng tôi, chúng ta” thì tôi nghĩ dân còn chịu thiệt, dân còn kêu trời, chịu khổ, đại biểu còn tiếp tục phê phán dài dài…

Đại biểu Quốc hội NGÔ VĂN MINH, Quảng Nam

Nộp tiền trồng rừng không bằng tiền lượm củi

Vừa rồi dân mình chết vì bão rất ít nhưng chết vì lũ lại nhiều. Trong tình hình này, tôi rất muốn chất vấn các bộ liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT về những dự án thủy điện. Nhưng chương trình chất vấn chỉ có Bộ NN&PTNT, rất đáng tiếc. Nếu có thể, các bộ trưởng còn lại nên chủ động có lời giải trình với cử tri cả nước.

Theo tôi, lũ lớn bất thường là do các dự án thủy điện xóa mất diện tích lớn rừng đầu nguồn. Đã vậy, các chủ dự án thủy điện còn không có thiện chí hạn chế hậu quả. Không chịu trồng lại rừng thay thế với lý do không có đất trồng rừng, rồi yêu cầu nộp tiền thay thế 15 triệu đồng/ha để trồng mới rừng mà cũng không chịu nộp. Bà con bức xúc lắm. Tôi nói thật chủ dự án thủy điện xóa trắng 1 ha rừng mà chỉ nộp 15 triệu đồng thì không bằng tiền lượm củi trên mẫu đất đó.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN VĂN MINH, TP.HCM

THÀNH VĂN - TỐ NHƯ ghi

Mặt trái của thủy điện làm dân sợ

Chiều 18-11, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam), cho biết: “Từ ngày 15 đến 17-11, mưa kết hợp với việc các thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Sông Bung 4A, A Vương đồng loạt xả lũ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Lũ lớn đã làm ngập 80% nhà dân buộc huyện phải sơ tán gần 12.000 người. Lũ đã làm một người chết và 27 người bị thương, tổng thiệt hại gần 100 tỉ đồng”.

Theo ông Tính, việc các thủy điện xả lũ đột ngột với lưu lượng lớn đã khiến người dân của huyện trở tay không kịp. Được biết chỉ tính riêng trong mùa mưa năm nay, huyện Đại Lộc phải gánh chịu tới ba đợt lũ do thủy điện gây ra gây ngập diện rộng. “Mặt trái của thủy điện đang gây hậu quả nghiêm trọng, làm đảo lộn đời sống người dân. Ngoài thiệt hại về tài sản, người dân còn thường xuyên sống trong lo sợ mỗi khi vào mùa mưa” - ông Tính nói.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm