“Chính phủ loại bỏ 424 dự án thủy điện, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí và tạm dừng có thời hạn 136 dự án là một quyết định chính xác. Tuy nhiên, chỉ có hơn 400 dự án bị loại bỏ là quá ít và số dự án này chủ yếu còn nằm trên giấy”. Nhiều chuyên gia góp ý sau bài báo “Loại bỏ 424 dự án thủy điện” (Pháp Luật TP.HCM ngày 15-10).
Lợi dụng khai thác khoáng sản
Một thực tế được chỉ ra là các dự án thủy điện luôn chiếm một diện tích rừng rất lớn. Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2006 đến năm 2012 có khoảng 19.800 ha rừng được chuyển đổi mục đích để thực hiện 160 dự án thủy điện thuộc 29 tỉnh, thành. Nhưng tới nay, diện tích rừng trồng thay thế chỉ đạt 735 ha (3,7% tổng diện tích theo yêu cầu).
Còn theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến tháng 5-2013 mới chỉ có hơn 2% diện tích rừng được trồng thay thế trong tổng số 50.900 ha đất rừng đã được sử dụng cho các dự án thủy điện. Trong khi đó, chỉ riêng 37 dự án thủy điện công suất lớn hơn 60 MW của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chiếm gần 37.000 ha đất rừng.
Các dự án thủy điện vừa và nhỏ thường chú tâm vào hiệu quả kinh tế hơn là bảo vệ môi trường sinh thái. Trong ảnh: Vụ vỡ đập ở huyện Đức Cơ (Gia Lai) gây nhiều thiệt hại cho người dân trong vùng. Ảnh: THỤC VY
Kết quả giám sát của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội chỉ rõ nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc đất không phù hợp để trồng rừng thay thế. Tại một số dự án thủy điện, có đối tượng đã lợi dụng khai quang rừng với quy mô lớn hơn nhiều so với yêu cầu; lợi dụng hạ tầng công trình thủy điện để khai thác khoáng sản trái phép!
“Có một lỗ hổng trong quy trình quản lý nên việc quản lý, cấp phép và giám sát môi trường chưa chặt chẽ dẫn đến các tác động ngoài mong muốn như lũ tăng bất thường, động đất kích thích, vỡ đập, phá rừng, biến đổi sinh thái… Đó là kết cục tất yếu của quá trình hơn 10 năm khai thác thủy điện nhưng các chế tài chưa phù hợp với phong trào “nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện” - báo cáo giám sát nêu rõ.
Phá rừng lấy gỗ
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, không bất ngờ với những đánh giá trên. Theo ông, các dự án thủy điện vừa và nhỏ đều do tư nhân làm nên họ chỉ chú tâm vào hiệu quả kinh tế hơn là bảo vệ môi trường sinh thái. Mà một trong những “hiệu quả kinh tế” thu được là phá rừng lấy gỗ!
“Trong thời gian dài nhiều tỉnh, thành ồ ạt làm thủy điện không chỉ vì nhu cầu cung cấp điện ở địa phương mà xa hơn là chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi từ khai thác tài nguyên rừng, đặc biệt là gỗ. Không phải tự nhiên mà đa phần các địa điểm xây dựng thủy điện thường là rừng già, nhiều cây gỗ quý” - ông Ngãi nói thẳng.
Theo ông Ngãi, lẽ ra số dự án thủy điện bị loại bỏ cần nhiều hơn nữa. Bởi phần lớn trong số 424 dự án bị loại bỏ đều có công suất nhỏ, do tư nhân làm chủ đầu tư nên không tác động đến nguồn cung cấp điện của cả nước. Thay vào đó, hơn 50 nhà máy nhiệt điện công suất 36.000 MW và các nhà máy điện nguyên tử sẽ bảo đảm đủ cung cấp điện cho cả nước.
Chủ đầu tư chỉ nghĩ tới kinh tế
Theo TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam, phát triển thủy điện phải gắn với bền vững, bảo đảm môi trường, hướng đến lợi ích của người dân. Khi thực hiện cần phải có quy hoạch xây dựng chi tiết, toàn diện, dù ở mức độ định tính (nhất là với các dự án đặt ở vị trí nhạy cảm). “Khi tính toán, phải biết được ngay là nên loại bỏ hay triển khai dự án chứ đừng để vẽ ra rồi mới bỏ thì tốn kém cho các bên” - ông Tứ đánh giá.
Nhận định của ông Tứ càng được minh chứng rõ trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT. Theo đó, chất lượng lập quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ hiện rất hạn chế. Không ít dự án sau đó đã bị loại khỏi quy hoạch vì hiệu quả đầu tư thấp, gây tác động xấu đến môi trường và kinh tế xã hội.
Theo ông Tứ, trước đây nguồn cung điện bị thiếu hụt nên phát triển thủy điện được xem là biện pháp tối ưu dựa trên lợi thế của nước ta về địa hình, nguồn nước, sông ngòi… Tuy nhiên, dần dần thủy điện được xây dựng quá nhiều chỉ vì mục đích kinh tế. Bình quân 1 MW tiêu tốn 2-10 ha đất rừng, tùy vào quy mô công trình. Nếu cứ ồ ạt phát triển thủy điện, chẳng bao lâu rừng sẽ biến mất.
“Trong các chuyến khảo sát các dự án thủy điện, tôi thấy suy nghĩ của địa phương và chủ đầu tư rất đơn giản về thủy điện. Khi làm họ chỉ nghĩ dự án sẽ đóng góp bao nhiêu ngân sách cho tỉnh mà rất thờ ơ khi đề cập đến môi trường, đời sống người dân. Phát triển thủy điện được xem như một kênh đầu tư đem lại lợi ích lớn cho chủ đầu tư thông qua việc phát hành cổ phiếu…” - ông Tứ nêu thực tế.
Trồng rừng thay thế chỉ là hình thức! Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT chiều 15-10, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thông tin: “Hiện việc trồng rừng thay thế diện tích đã mất do làm thủy điện chỉ đạt 3%-5%. Việc này mang nặng tính hình thức và rất không khả thi với những hồ đập thủy điện lớn”. Theo ông Hà, trong việc lập đánh giá tác động môi trường hiện nay, một vướng mắc cần tháo gỡ là có độ vênh giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, để đơn giản hóa thủ tục, pháp luật đầu tư cho phép có chủ trương đầu tư trước sau đó mới đánh giá tác động môi trường. Quy định này dẫn tới việc nhiều dự án thủy điện được chấp thuận đầu tư rồi mới lập đánh giá tác động môi trường. “Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ khắc phục tình trạng này. Cụ thể sẽ có nội dung mới là phải đánh giá môi trường sơ bộ với các dự án trọng điểm, nhạy cảm khi có chủ trương đầu tư” - ông Hoàng Văn Thức, Chánh văn phòng Tổng cục Môi trường, cho biết. HOÀNG VÂN |
TRÀ PHƯƠNG