Núp bóng thủy điện để phá rừng, moi khoáng sản

Ngày 30-5, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH đã công bố kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện. Theo đó, đã có gần 51.000 ha đất rừng chuyển sang làm thủy điện nhưng chỉ có khoảng 1.000 ha rừng được trồng mới thay thế (phục hồi 2,08% diện tích rừng). Hầu hết chủ đầu tư chưa bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư dự án đã phê duyệt nên chưa có nguồn vốn để thực hiện. Đến nay, quy hoạch trên cả nước có 899 dự án thủy điện, trong đó mới có 260 dự án đã vận hành khai thác. Chất lượng quy hoạch thủy điện rất bất cập, có khoảng 40% dự án trong quy hoạch phải loại bỏ hoặc chưa có nhà đầu tư quan tâm.

Tại một số dự án có tình trạng lợi dụng quyết định cho mở công trường để cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn yêu cầu của công trường, thậm chí lợi dụng hạ tầng công trình thủy điện để khai thác khoáng sản trái phép. Do đó, thực tế diện tích rừng bị mất thường lớn hơn diện tích dự kiến.

Cũng theo báo cáo giám sát, ngoài các hồ thủy điện lớn như Sơn La, Hòa Bình..., có không ít công trình thủy điện khác chủ đầu tư quan tâm chủ yếu đến sản xuất điện, chưa chú trọng điều tiết, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, tham gia chống lũ, chống hạn. Việc không thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ làm thay đổi dòng chảy hạ du, thay đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt.

Từ đó, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường kiến nghị QH tăng cường công tác giám sát liên quan đến phát triển thủy điện, tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo đảm khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu tài nguyên nước đối với các dự án thủy điện. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường quản lý an toàn đập, rà soát quy hoạch phát triển thủy điện cũng như việc trồng rừng thay thế.

Lại kiến nghị dừng thủy điện Đồng Nai 6, 6A

“Một lần nữa tôi kiến nghị Thủ tướng quan tâm xem xét và cho dừng triển khai, loại khỏi quy hoạch đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A” - ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) khẩn thiết nói trong phiên thảo luận ngày 30-5.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng tha thiết: “Các bộ, ngành chức năng nên thận trọng xem xét trước khi cho phép đầu tư dù đã có quy hoạch. Nhiều nơi trên nước ta đang đau đầu và khổ sở hết sức vì các thủy điện vừa và nhỏ, sự thật nhãn tiền đó cần được nghiêm túc lưu ý”.

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án đã được chủ đầu tư gửi đến Bộ TN&MT xem xét thẩm định. Tinh thần của Bộ Công Thương là nếu qua xem xét báo cáo ĐTM thấy rằng ảnh hưởng lớn đến môi trường thì sẽ đề nghị không triển khai dự án này.

T.HẰNG - T.VĂN

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm