Đang còn dư địa để kìm giá xăng dầu

(PLO)- Nếu các cơ quan chức năng xem xét giảm một nửa thuế, phí mà mỗi lít xăng đang “gánh” thì giá mặt hàng này sẽ giảm mạnh.

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lo lắng về rủi ro giá xăng dầu liên tục leo thang và vừa lập kỷ lục mới trên 31.500 đồng/lít. Điều này tiềm ẩn gây rủi ro cao với mức độ lạm phát, tác động trực diện tới đời sống người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần giảm thêm thuế, phí với xăng dầu.

Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới gây khó khăn cho người dân, nhất là đối tượng thu nhập thấp. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hạ giá xăng để kiểm soát lạm phát

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định giá xăng trong nước tăng mạnh vì giá xăng thành phẩm nhập khẩu tăng là hợp lý. Nhưng với việc giá xăng trong nước liên tiếp thiết lập kỷ lục mới đã khiến kỳ vọng lạm phát hiện nay tăng mạnh. Hiểu một cách nôm na là người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư tin rằng giá cả hàng hóa sẽ tăng trong tương lai. Và khi họ cho rằng lạm phát tăng cao sẽ tác động đến tỉ lệ lạm phát thực tế.

Đặc biệt, trong cơ cấu thu nhập của người Việt Nam thì chi tiêu cho lương thực, thực phẩm chiếm gần phân nửa. Khi lạm phát, mọi người có xu hướng tiết kiệm, hạn chế mua các sản phẩm, hàng hóa khác. Như vậy, lạm phát làm xói mòn chất lượng cuộc sống của người dân.

Nếu tính theo chỉ số thu nhập, người dân Việt Nam đang phải trả tiền mua xăng ở mức đắt đỏ.

“Hệ quả tất yếu là DN sẽ không bán được hàng, giảm doanh thu và lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc họ sa thải người lao động nhằm giảm chi phí, cũng như giảm luôn việc đóng góp vào thuế và ngân sách. Một nguy cơ nữa là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN để hồi phục sau dịch bệnh mà Chính phủ vừa ban hành có thể bị vô hiệu hóa vì lạm phát” - ông Phương phân tích.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng khả năng giá dầu thô thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai vì lệnh cấm dầu Nga của châu Âu. Do đó, lúc này cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng giảm thuế, phí để hạ nhiệt giá xăng dầu nhằm chặn đứng kỳ vọng lạm phát tăng. Bởi một khi mọi người đã tin rằng lạm phát tăng mạnh thì việc thực thi các chính sách tiền tệ lẫn tài khóa nhằm kìm hãm lạm phát sẽ trở nên rất khó khăn.

“Hiện thuế, phí đang chiếm đến 44% trong mỗi lít xăng, vì vậy chỉ cần giảm đi phân nửa là giá xăng sẽ hạ nhiệt và từ đó việc chống lạm phát sẽ dễ dàng hơn” - ông Phương kiến nghị.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trong phiên thảo luận tại QH cùng ngày (2-6), nhiều ĐB lo lắng về rủi ro lạm phát khi giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới. ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định phần thu ngân sách từ dầu thô tăng do giá xăng dầu tăng lên nhưng mặt trái của nó là giá xăng dầu trong nước cũng không ngừng leo thang. Điều này làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất, kinh doanh, làm ngán ngại cho nhà đầu tư và tái đầu tư.

“Cho nên việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống và sinh hoạt của người dân” - ông Hòa nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định rằng: Giá xăng tăng cao, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá. Trong khi đó, thu nhập của người dân, nhất là bộ phận người nghèo không tăng khiến cho cuộc sống mưu sinh của họ trở nên vất vả hơn. Từ đó, bà Hoa đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề này và nghiên cứu để ban hành các giải pháp như giảm giá xăng dầu.

Nông dân mong được hỗ trợ

Ngư dân khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao. Vì vậy ngư dân cũng như nông dân rất mong Chính phủ có những chính sách để hỗ trợ trực tiếp đối với xăng dầu và vật tư đầu vào để bà con an tâm sản xuất.

ĐBQH TRẦN THỊ HOA RY

Xem xét giảm thuế xăng dầu

Trước nhiều ý kiến lo ngại về giá cả leo thang, đặc biệt là giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh rằng: “Nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay là phải chống được lạm phát. Nhiều ý kiến cho rằng phải giảm giá xăng dầu. Nhưng việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp và muốn giảm được giá xăng dầu phải sử dụng một loạt biện pháp”.

Ông giải thích trong cơ cấu giá xăng hiện nay, chẳng hạn với xăng RON92 (loại xăng nền dùng để pha chế xăng E5) giá nhập khẩu hiện khoảng 22.000 đồng thì các loại thuế và phí chiếm 28%, tức khoảng 8.000 đồng/lít (theo tính toán của nhiều chuyên gia thì thuế, phí đang chiếm hơn 44% - PV). Trong khi đó tại các nước, thuế và phí chiếm tới 45%-60%.

“Vừa qua, thuế bảo vệ môi trường với xăng đã giảm 50%, xuống còn 2.000 đồng/lít. Có giảm nữa hay không thì thẩm quyền này thuộc Ủy ban Thường vụ QH. Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… với xăng có giảm hay không thì thuộc thẩm quyền của QH” - ông Phớc nói.

Tư lệnh ngành tài chính cũng bày tỏ lo lắng nếu giảm thuế thì phải cắt giảm các khoản chi ngân sách, đồng thời nếu giá xăng dầu của Việt Nam thấp thì không cẩn thận xăng dầu lại chảy sang Lào, Campuchia. Tuy vậy, Bộ trưởng cam kết: “Giảm thuế xăng dầu là một biện pháp mà chúng tôi sẽ cân nhắc, đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ và QH”.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay: Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung cầu, kiểm soát lạm phát. Đồng thời các đơn vị liên quan cũng nghiên cứu các giải pháp về giảm thuế, phí, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để giảm áp lực tăng giá xăng dầu.•

Xăng Việt Nam đắt hay rẻ so với các nước?

Trong một báo cáo vừa công bố, Bộ Công Thương cho rằng xăng Việt Nam hiện chỉ có giá khoảng 1,30 USD/lít. Mức giá này thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung Quốc (1,35 USD/lít), Thái Lan (1,43 USD/lít), Lào (1,74 USD/lít), Hàn Quốc (1,53 USD/lít) và Campuchia (1,39 USD/lít).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu so sánh giá xăng đơn thuần để nói đắt hay rẻ là chưa chính xác và đầy đủ. Bởi nếu xét theo yếu tố thu nhập thì chưa chắc giá xăng Việt Nam đã rẻ hơn các nước trên.

Một thống kê của Global Petrol Prices cho thấy nếu tính theo thu nhập của người dân Việt Nam thì để mua 40 lít xăng cần chi đến 23,2% thu nhập. Trong khi đó, người dân Thái Lan chỉ phải chi 10,1% thu nhập để trả tiền mua 40 lít xăng. Người Trung Quốc chỉ mất 6,4% thu nhập để mua xăng.

Đặc biệt, dù Singapore có giá xăng gấp đôi Việt Nam nhưng người dân nước này chỉ mất 1,8% thu nhập để mua xăng. Nước Mỹ có giá xăng gần tương đương Việt Nam nhưng người dân nước này chỉ bỏ ra 0,9% thu nhập để mua xăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới