Đăng kiểm đang đứng trước cơ hội lột xác

(PLO)- Khủng hoảng, tạm gọi như vậy, trong đăng kiểm hiện nay sẽ là một cơ hội tốt để Bộ GTVT giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Với ngành GTVT hiện nay, tôi xin khẳng định trước Quốc hội là không ai dám làm sai” - ông Nguyễn Văn Thể hồi tháng 6-2022 trả lời chất vấn tại Quốc hội trên cương vị bộ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định như vậy.

Lúc đó, có lẽ ông không tưởng tượng được đến giờ lĩnh vực đăng kiểm thuộc ngành GTVT lại đang rơi vào một vòng xoáy sai phạm.

Tướng Tô Ân Xô tại buổi họp báo Chính phủ hôm 3-3 không cho biết số tiền mà các trung tâm đăng kiểm nhận hối lộ cụ thể là bao nhiêu nhưng báo chí dẫn nguồn từ các cơ quan điều tra thì thấy “dao động” từ 500 triệu đến vài tỉ đồng. Nếu ước lượng sơ bộ rồi đặt số tiền hối lộ trong các vụ đăng kiểm bên cạnh số tiền 35 tỉ đồng mà thiếu tướng Đỗ Hữu Ca (nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng) nhận để “chạy án” thì có lẽ có sự tương phản lớn.

Nhưng số tiền lớn hay nhỏ có lẽ không quan trọng bằng hành vi tham nhũng, hối lộ và các tội danh khác đã cấu thành. Việc khởi tố khi đủ chứng cứ cũng là chuyện dễ hiểu bởi đăng kiểm liên quan mật thiết đến các phương tiện giao thông cơ giới, nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu phương tiện được chứng nhận an toàn và an toàn thật thì sự an toàn của xã hội được bảo đảm, tính mạng của con người và hàng hóa được bảo đảm.

Còn tất nhiên, nếu xét về quy mô tham nhũng, hối lộ thì mỗi chiếc xe đăng kiểm, tùy loại, phải chung chi hoặc đưa thêm cho đăng kiểm viên từ 100.000 đến 10 triệu đồng thì cũng không so sánh được với những vụ tham nhũng, hối lộ mà giá trị lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỉ đồng.

Khi phải xử lý những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm thì cũng chính là lúc “tham nhũng vặt” được xử lý một cách triệt để. Vì như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay từ hồi năm 2015 đã nói rằng: “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”.

Với tốc độ và quy mô tố tụng đối với đăng kiểm hiện nay, có lẽ con số 2.014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao sẽ còn hao hụt đi rất nhiều. Điều đó ít nhiều sẽ gây ra những tác động không mong muốn khi mà chỉ tính riêng trong tháng 4 tới đây, Hà Nội và TP.HCM sẽ có gần 170.000 xe đến hạn đăng kiểm.

Người dân và doanh nghiệp chắc lại phải xếp hàng dài để chờ. Tất nhiên, trong bối cảnh chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh thì người dân, doanh nghiệp gặp một chút phiền toái, khó khăn cũng là điều không khó đoán.

Những giải pháp mà Bộ GTVT đang kiến nghị và bước đầu thực hiện có lẽ là một giải pháp tình thế. Nhưng nếu một số giải pháp trở thành chính sách thì nó cũng phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của cuộc sống, của sự phát triển khoa học - công nghệ.

Xã hội hóa đăng kiểm như việc cho phép các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô cấp 3S, 4S chính hãng được thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới cũng là điều nên thúc đẩy.

Còn về lâu dài, Bộ GVTV cần tính đến việc đổi mới, lột xác toàn bộ ngành này theo hướng xã hội hóa - công khai - minh bạch hơn.

Biết đâu, sau “cơn bão” này, chẳng những Bộ GTVT và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sẽ tạo dấu ấn, tạo nền tảng tốt hơn cho ngành đăng kiểm mà chính ngành đăng kiểm cũng sẽ lại tiếp tục trở thành ngành đi đầu trong bảo đảm an toàn tính mạng, an toàn hàng hóa cho đất nước. Ngành đăng kiểm biết đâu sẽ lại thành mốc son của Bộ GTVT trong tương lai.

Vì suy cho cùng: Khủng hoảng, tạm gọi như vậy, trong đăng kiểm hiện nay sẽ là một cơ hội tốt để Bộ GTVT giải quyết những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay. Và Bộ GTVT sẽ lại nắm chắc hơn những lĩnh vực thuộc về mình theo pháp luật và công ước về giao thông đường bộ để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm