Đáng phải xử thì tòa lại đình chỉ

Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa xử giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ quyết định (QĐ) giải quyết việc kháng cáo đối với QĐ đình chỉ giải quyết một vụ án hành chính. Theo đó, cấp giám đốc thẩm hủy hai QĐ của tòa án hai cấp tỉnh Kon Tum, giao hồ sơ cho tòa án tỉnh này xét xử sơ thẩm lại từ đầu.

Theo hồ sơ, tháng 4-2012 TAND TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum thụ lý vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông T. và người bị kiện là chủ tịch UBND TP Kon Tum. Theo đơn khởi kiện, ông T. yêu cầu tòa án hủy QĐ của chủ tịch UBND TP này về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông và bà D.

Bốn tháng sau, TAND TP Kon Tum quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do ông T. có văn bản xin tạm đình chỉ. Đến tháng 10-2014, tòa ra thông báo tiếp tục giải quyết lại vụ án. Sau đó, tòa đã ban hành văn bản yêu cầu ông T. cung cấp các chứng cứ liên quan đến vụ kiện và các giấy tờ khác chứng minh quyền khởi kiện (nếu có).

Tháng 4-2015, tòa ban hành QĐ tạm đình chỉ giải quyết vụ án lần thứ hai với lý do cần chờ kết quả giải quyết của cơ quan khác. Cuối năm 2015, ban hành thông báo tiếp tục giải quyết vụ án. Đến đầu năm 2016, tòa lại có văn bản yêu cầu ông T. cung cấp các chứng cứ giống nội dung văn bản yêu cầu trước đó nhưng ông T. không cung cấp.

Vì thế tháng 5-2016, TAND TP Kon Tum đã ban hành QĐ đình chỉ giải quyết vụ án. Ông T. kháng cáo QĐ này. Một năm sau, TAND tỉnh Kon Tum ban hành QĐ giải quyết việc kháng cáo của ông T. với nội dung: Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông T., giữ nguyên QĐ đình chỉ giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm của TAND TP Kon Tum.

Đầu năm 2017, chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có QĐ kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị ủy ban thẩm phán tòa này xử hủy toàn bộ hai QĐ của TAND tỉnh Kon Tum, TAND TP Kon Tum.

HĐXX giám đốc thẩm nhận định: Chứng cứ mà tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu ông T. cung cấp là chứng cứ để xem xét, đánh giá tính hợp pháp đối với QĐ bị khởi kiện. Ông T. không cung cấp được chứng cứ theo yêu cầu của tòa, nhưng ngày 1-3-2016 ông T. có cung cấp cho tòa án một chứng cứ là bản ghi âm. Nội dung ghi âm thể hiện con trai bà D. đang giữ tất cả giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cung cấp của tòa án.

Ngoài ra, ông T. cũng yêu cầu tòa cho giám định bản ghi âm này. Nhưng sau đó tòa án sơ thẩm chỉ triệu tập con trai bà D. đến lấy lời khai (người này không đến) mà không trưng cầu giám định bản ghi âm do ông T. cung cấp.

Theo HĐXX giám đốc thẩm, nếu ông T. không cung cấp được chứng cứ thì tòa án sơ thẩm có thể tự mình hoặc ủy thác tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ các tình tiết của vụ án. Căn cứ pháp lý để tòa tự thu thập chứng cứ là khoản 2 Điều 78 Luật Tố tụng hành chính 2010.

Trường hợp tòa án cũng không thể xác minh, thu thập được chứng cứ mà ông T. vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện thì tòa cứ đưa vụ án ra xét xử. Nếu tòa xét thấy không đủ căn cứ thì bác yêu cầu khởi kiện của ông T., làm như vậy mới đúng quy định của pháp luật.

Việc tòa sơ thẩm ra QĐ đình chỉ giải quyết vụ án đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền khởi kiện của ông T. Tòa án cấp phúc thẩm không khắc phục được sai lầm này mà lại ban hành QĐ giải quyết việc kháng cáo giữ nguyên QĐ của tòa sơ thẩm là không đúng. Vì vậy, để đảm bảo quyền khởi kiện của đương sự cần phải hủy cả hai QĐ nêu trên để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015 thì TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện. Vì vậy, HĐXX giám đốc thẩm quyết định giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. Vì tại thời điểm xét xử giám đốc thẩm thì Luật Tố tụng hành chính 2015 đã có hiệu lực pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới