Đằng sau chuyến đi của ông Zelensky tới Mỹ là gì?

(PLO)- Có ý kiến cho rằng chuyến đi của ông Zelensky tới Mỹ cho thấy xung đột Nga - Ukraine đã bước vào một “giai đoạn mới”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự kiện thu hút sự chú ý trong ngày 21-12 là việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Mỹ, theo lời mời của Tổng thống Joe Biden. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Zelensky sau khoảng 300 ngày xung đột Nga - Ukraine.

Mỹ hỗ trợ nhưng vẫn mong cuộc chiến kết thúc

Họp báo chung sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, ông Biden công bố gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 1,8 tỉ USD cho Ukraine, theo đài CNN. Trong gói viện trợ này có hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà theo ông Biden sẽ là “tài sản quan trọng” đối với hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh lớn) và phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 21-12. Ảnh: AP/CNN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh lớn) và phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 21-12. Ảnh: AP/CNN

Theo lời ông Biden thì mục đích gửi hệ thống tên lửa Patriot sang Ukraine là để phòng thủ, không phải là hành động leo thang, rằng Mỹ vẫn mong muốn Nga “rút lui” để Ukraine không phải dùng đến loại vũ khí này.

Ông Zelensky thì nói rằng hệ thống tên lửa Patriot rất quan trọng, bảo vệ an toàn cho không phận Ukraine, bảo vệ cơ sở hạ tầng và ngành năng lượng của đất nước trước các cuộc tấn công của Nga. Ông Zelensky cũng cho biết ông hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua gói viện trợ 45 tỉ USD cho Ukraine.

Dù mong Nga rút quân nhưng ông Biden cũng thừa nhận khả năng này “sẽ không xảy ra” và Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine “đến năm 2023”, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ông không tin rằng xung đột sẽ sớm kết thúc. Theo lời ông Biden thì trong tương lai Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục tập trung “giúp Ukraine thành công trên chiến trường”, bảo đảm ông Zelensky có được lợi thế khi ngồi xuống nói chuyện với phía Nga.

Ông Biden khẳng định rằng ông và ông Zelensky đều muốn cuộc chiến này kết thúc và “có chung tầm nhìn” về hòa bình ở Ukraine, đó là “một Ukraine tự do, độc lập, thịnh vượng và an toàn”. Ông Biden nói rằng chuyện “quyết định muốn cuộc chiến tranh kết thúc thế nào” tùy thuộc vào ông Zelensky. Trước khi ông Zelensky tới Nhà Trắng, một phụ tá hàng đầu của ông Biden đã khẳng định chắc chắn rằng ông Biden không chủ ý thuyết phục ông Zelensky hướng tới một cách cụ thể nào để chấm dứt xung đột.

Trong khi đó ông Zelensky khẳng định Ukraine “giữ vững lập trường và sẽ không bao giờ đầu hàng”, rằng Ukraine mong muốn hòa bình nhưng sẽ không thỏa hiệp. Phát ngôn này cho thấy Ukraine sẽ không chấp nhận từ bỏ lãnh thổ hoặc chủ quyền để kết thúc chiến tranh với Nga. Phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ tối 21-12, ông Zelensky kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine và tăng cường trừng phạt Nga.

Ngoài gói viện trợ quân sự 1,8 tỉ USD, ông Biden cho biết Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) gửi hơn 374 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine trong ngày 21-12. Tiền được chi hỗ trợ lương thực và tiền mặt cho hơn 1,5 triệu dân Ukraine, giúp hơn 2,5 triệu dân Ukraine tiếp cận dịch vụ y tế, nước uống an toàn, giữ ấm trong thời tiết khắc nghiệt mùa đông.

Lý do ông Biden mời và ông Zelensky nhận lời

Kế hoạch đến Mỹ của ông Zelensky được giữ bí mật cho đến phút cuối cùng. Chuyến thăm lịch sử này mang nặng tính biểu tượng, từ chiếc áo len màu xanh xám của ông Zelensky đến chiếc cà vạt sọc xanh vàng của Tổng thống Joe Biden, CNN nhận định.

Một điều khiến nhiều người đặt câu hỏi là tại sao ông Biden mời ông Zelensky sang Mỹ vào thời điểm này. Theo CNN, ông Biden sẽ không mời ông Zelensky đến Mỹ nếu ông không tin rằng có thể đạt được điều gì đó thực sự khi gặp mặt trực tiếp thay vì qua điện thoại.

CNN dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết điều khiến ông Biden đi đến quyết định này là vì ông Biden đánh giá rằng cuộc chiến ở Ukraine đang bước vào một “giai đoạn mới”, cả trên chiến trường và chính trường.

Mùa đông đã bắt đầu, Nga và Ukraine đang có những bước thay đổi về chiến thuật, sử dụng pháo kích nhiều hơn. Nga gửi thêm quân đến tiền tuyến và tăng cường không kích. Theo CNN, giới chức Mỹ tin rằng việc chiếm lại lãnh thổ từ Nga có thể ngày càng khó khăn đối với Ukraine. Thời điểm dường như đã chín muồi để ông Zelensky có một sự xuất hiện thu hút chú ý để công khai kêu gọi hỗ trợ quốc tế.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước đang đối mặt với hậu quả từ cuộc xung đột. Giá năng lượng và lương thực tăng cao, một phần do các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây với Nga. Thực tế này gây rắc rối cho các chính trị gia ở châu Âu và Mỹ.

Riêng tại Mỹ, các nghị sĩ Cộng hòa - chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Hạ viện - đã nói rõ rằng họ sẽ không duyệt các yêu cầu hỗ trợ Ukraine từ ông Biden. Một số đảng viên Cộng hòa đã từ chối tham dự sự kiện phát biểu của ông Zelensky trước lưỡng viện quốc hội.

Phần ông Zelensky, khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, Mỹ đề nghị được sơ tán ông khỏi Kiev nhưng ông từ chối. Theo nguồn tin của CNN, ông Zelensky đã rất cân nhắc về chuyến thăm và nói với các cố vấn rằng ông không muốn tới Mỹ nếu quan hệ hai bên không có bước phát triển đáng kể nào. Và quyết định của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine được ông Zelensky xem là một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa hai nước.•

Nga lên tiếng về việc ông Zelensky sang Mỹ

Theo Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 21-12 (giờ Mỹ), việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sang Mỹ cho thấy cả ông Zelensky và giới lãnh đạo Mỹ đều chưa sẵn sàng cho hòa bình, theo hãng tin Nga RIA Novosti. Ông Antonov cáo buộc rằng cả Ukraine và Mỹ đều vẫn đang nhắm đến xung đột, cái chết của binh lính và “ràng buộc hơn nữa chế độ Ukraine với nhu cầu của Mỹ”.

Theo ông Antonov, “những luận điểm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Mỹ rằng Nga không quan tâm đến việc đạt được hòa bình là sai”, quan điểm này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập nhiều lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm