Giới chức Trung Quốc (TQ) cho biết sứ mệnh mang về vật mẫu từ vùng tối của Mặt Trăng sẽ được nước này tiến hành vào năm 2024. Bước đi này nằm trong bối cảnh Bắc Kinh đang thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa nhà thám hiểm vũ trụ lên Mặt Trăng trong thập niên này cũng như xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế trên đó, theo đài CNN.
Trung Quốc và tham vọng chinh phục Mặt Trăng
Tuần rồi, Cơ quan Vũ trụ quốc gia TQ (CNSA) cho biết sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng mang tên Hằng Nga 6 đang được tiến hành theo đúng kế hoạch. Vệ tinh chuyển tiếp đi kèm của sứ mệnh, gọi là vệ tinh thông tin liên lạc Thước Kiều 2, sẽ được triển khai trong nửa đầu năm tới.
TQ cho biết sứ mệnh Hằng Nga 6 sẽ giúp mở rộng hiểu biết về vùng tối của Mặt Trăng.
Bên cạnh đó, TQ cũng có kế hoạch gửi tàu thăm dò Hằng Nga 7 lên Mặt Trăng vào năm 2026 nhằm tìm kiếm nước và các tài nguyên khác ở cực nam của vệ tinh này, theo tờ China Military.
Đầu tuần này, tại Đại hội Hàng không Vũ trụ quốc tế lần thứ 74 ở thủ đô Baku (Azerbaijan), CNSA thông báo sứ mệnh Hằng Nga 8 của nước này sẽ được triển khai vào khoảng năm 2028, đồng thời kêu gọi hợp tác quốc tế cho sứ mệnh này.
Lời kêu gọi trên đồng nghĩa TQ và các nước có thể hợp tác cùng nhau trong việc phóng tàu vũ trụ và vận hành quỹ đạo, thực hiện các tương tác giữa tàu vũ trụ với nhau và cùng nhau khám phá bề mặt Mặt Trăng.
Bắc Kinh kỳ vọng cả 3 sứ mệnh trên sẽ tạo ra nguồn dữ liệu có giá trị hướng tới việc xây dựng trạm nghiên cứu quốc tế lâu dài trên cực nam của Mặt Trăng vào năm 2040 - một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của TQ để trở thành một cường quốc không gian.
Trên thực tế, TQ đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc thực hiện nỗ lực trên. Năm 2019, TQ trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thám hiểm tới vùng tối của Mặt Trăng. Năm 2022, TQ hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ quỹ đạo Thiên Cung cũng như công bố kế hoạch trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2030.
Việc mở rộng hợp tác quốc tế về không gian cũng là một phần cho nỗ lực trên của TQ. Theo truyền thông TQ, một số quốc gia được cho là đã tham gia kế hoạch xây dựng trạm nghiên cứu quốc tế trên Mặt Trăng, gồm Nga, Venezuela và Nam Phi.
Không chỉ mình Trung Quốc
TQ không phải là nước duy nhất nỗ lực đẩy mạnh tham vọng chinh phục vũ trụ nói chung và Mặt Trăng nói riêng.
Nhiều quốc gia bắt đầu quan tâm đến lợi ích khoa học tiềm năng, uy tín quốc gia và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên cũng như khám phá không gian sâu hơn mà các sứ mệnh mặt trăng thành công có thể mang lại.
Tháng trước, tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ thành công xuống bề mặt Mặt Trăng, đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng và là nước đầu tiên có tàu vũ trụ hạ cánh xuống phía cực nam của Mặt Trăng.
Cùng thời gian này, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga Roscosmos cũng phóng tàu thăm dò Luna-25 lên Mặt Trăng. Tuy nhiên tàu đã va chạm với bề mặt Mặt Trăng, đồng nghĩa với việc nỗ lực khám phá Mặt Trăng lần nữa của Nga sau gần 50 năm lại thất bại.
Mỹ cũng thúc đẩy chương trình Mặt Trăng của nước này thông qua việc khởi động chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2022 theo chương trình Artemis với mục đích đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2025 và xây dựng căn cứ khoa học ở vệ tinh này.
Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đang quan tâm tới việc khám phá cực nam của Mặt Trăng.
Cũng giống như TQ, Mỹ đang tập hợp các đối tác quốc tế về chương trình thám hiểm không gian. Hơn 20 nước đã ký kết Hiệp ước Artemis về “thăm dò không gian một cách hòa bình”. TQ chưa tham gia Hiệp ước này.