Đằng sau việc TQ đưa 'máy bay tuổi ông nội J-7' xâm nhập ADIZ Đài Loan thiết lập

Việc quân đội Trung Quốc sử dụng máy bay phản lực J-7 cũ kỹ thuộc hàng tuổi "ông nội" xâm nhập không phận Đài Loan thiết lập hồi tháng 6 đã đặt ra câu hỏi về lý do tại sao các máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai này lại được triển khai bên cạnh các máy bay chiến đấu hiện đại hơn.

Tờ South China Morning Post ngày 11-7 dẫn nhiều nguồn tin quân sự nhận định rằng các máy bay này đã được chuyển đổi thành máy bay không người lái, một cách tiết kiệm chi phí một mặt giúp quân đội Trung Quốc diễn tập, mặt khác nhằm kiểm tra phản ứng của Đài Loan.

Các nguồn tin cho rằng các máy bay J-7 cũng có thể là một cách để Bắc Kinh kiểm tra xem liệu tất cả các máy bay chiến đấu của Đài Loan đã được đưa vào hoạt động trở lại chưa.

Đằng sau việc Trung Quốc đưa 'máy bay tuổi ông nội J-7' xâm nhập ADIZ Đài Loan thiết lập. Ảnh: SCMP

"Cuộc tập trận bao vây đảo" của Trung Quốc vào ngày 17-6 có sự tham gia của bốn chiếc J-7 – loại máy bay chiến đấu ban đầu được mô phỏng theo máy bay MiG-21 của Liên Xô những năm 1960 và được gọi là "máy bay chiến đấu hàng ông nội" ở Đài Loan. Đây là lần đầu tiên dòng máy bay này được sử dụng trong một hoạt động như vậy kể từ năm 2016.

Tham gia cuộc tập trận trên cũng có các máy bay hiện đại hơn, bao gồm hai máy bay chiến đấu đa năng J-16 và một máy bay tác chiến điện tử Y-8, động thái đặt ra câu hỏi về lý do tại sao các mẫu máy bay cũ lại tham gia hoạt động.

Theo truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh đã chuyển đổi hàng nghìn máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai vốn đã ngừng hoạt động, trong đó có dòng J-7, thành máy bay không người lái (UAV).

South China Morning Post dẫn một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc tiết lộ một số máy bay J-7 đã được chuyển đổi thành UAV vì hình ảnh mặt cắt radar của dòng máy bay này giống với máy bay chiến đấu phòng vệ bản địa (IDF) của Đài Loan và máy bay F-16 do Mỹ sản xuất. Điều này được cho là có thể đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương.

Cả quân đội Trung Quốc và Cơ quan phòng vệ Đài Loan đều không đưa ra bình luận về việc bốn máy bay J-7 hồi tháng trước có phải là UAV hay không.

“Bốn chiếc J-7 đã thực hiện các chuyến bay ngắn sau khi cất cánh từ một căn cứ không quân ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông” – một nguồn tin tiết lộ, cho biết mục đích nhằm “kiểm tra phản ứng của lực lượng phòng không Đài Loan, xem liệu tất cả các máy bay của hòn đảo đã được đưa vào hoạt động lại hay chưa".

Trước đó, Đài Loan hồi tháng 3 đã tạm ngưng sử dụng các máy bay quân sự để kiểm tra độ an toàn - ngoại trừ những máy bay có nhiệm vụ canh gác hoặc chiến đấu - sau một vụ va chạm ngoài khơi bờ biển phía nam của hòn đảo khiến hai phi công thiệt mạng.

Đây là vụ tai nạn chết người thứ ba liên quan các máy bay chiến đấu của Đài Loan đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong vòng sáu tháng qua.

Trung Quốc sử dụng chiến thuật "mồi nhử"?

South China Morning Post dẫn lời nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong tại Macau nhận định quân đội Trung Quốc đã sử dụng máy bay không người lái J-7 đã được chuyển đổi từ năm 1997.

“Có nhiều biến thể của J-7, tất cả đều được mệnh danh là ‘máy bay F-16 mini’. Trung Quốc cũng đã xuất khẩu các biến thể J-7 cho Pakistan” – ông Wong Tong cho biết.

Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương bắt đầu chế tạo dòng máy bay J-7 vào năm 1965 và ngừng sản xuất loại máy bay này vào năm 2013.

Quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ đưa các máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai cuối cùng ra khỏi biên chế vào cuối năm 2022.

Theo chuyên gia Ben Ho tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (Singapore), Trung Quốc có thể đã nghiên cứu các chiến thuật được sử dụng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh hồi tháng 9-2020 giữa Azerbaijan và Armenia, trong đó phía Armenia đã bị đánh lừa để bắn vào các máy bay không người lái Antonov An-2 được sản xuất từ thời Liên Xô.

“Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng máy bay J-7 không người lái làm mồi nhử trong các chiến dịch SEAD [trấn áp phòng không đối phương] trong trường hợp bất trắc” – chuyên gia Ben Ho nhận định.

“Điều này đặc biệt xảy ra khi các đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc như Mỹ sở hữu hệ thống phòng không hàng đầu như hệ thống chiến đấu Aegis. Sẽ rất hợp lý nếu triển khai J-7 như một máy bay không người lái với kích thước vật lý gần giống máy bay F-16 và IDF, hai trụ cột của không quân Đài Loan” – chuyên gia này nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm