Sáng nay, 20-12, TAND TP.HCM đang tuyên án đối với Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), Trần Phương Bình và 24 bị cáo liên quan đến vụ thất thoát 3.608 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).
Phiên tòa này bắt đầu từ ngày 25-11, đã trải qua 11 ngày xét xử và thời gian nghị án kéo dài.
Các bị cáo chờ nghe tòa tuyên án. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thu chi sai nguyên tắc gây thiệt hại, che giấu âm quỹ
Theo cáo buộc, ông Bình trong khoảng thời gian 2006-2015 đã tổ chức, chỉ đạo cựu phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Xuyến, phòng Ngân quỹ hội sở và các chi nhánh, sở giao dịch lập chứng từ thu chi sai nguyên tắc để chiếm đoạt của DAB hơn 2.008 tỉ đồng và gây thiệt hại cho DAB hơn 1.560 tỉ đồng. Tổng thiệt hại cho DAB là hơn 3.608 tỉ đồng. Hai lãnh đạo này tự ý tổ chức chỉ đạo cấp dưới thu chi sai nguyên tắc gây thiệt hại mà không báo cáo xin ý kiến HĐQT và ban tổng giám đốc DAB.
Để che giấu âm quỹ, đối phó kiểm toán độc lập và thanh tra, kiểm tra của NHNN, từ năm 2008 đến năm 2014 vào dịp giữa năm hoặc cuối năm, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền, vàng, hợp đồng ủy thác đầu tư khống; hạch toán mua, bán vàng khống; lập chứng từ điều chuyển vốn khống từ hội sở về các chi nhánh, phòng giao dịch. Các chi nhánh, phòng giao dịch điều ngược lại sau khi đã kiểm toán hoặc thanh tra, kiểm tra xong.
Ông Bình bị VKS đề nghị án chung thân, bà Xuyến bị đề nghị 30 năm tù về hai tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái…
Ông Bình, bà Xuyến và 23 bị cáo còn lại thừa nhận các hành vi sai phạm và mong được án nhẹ để về đoàn tụ gia đình, chăm sóc người thân.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ sáng nay, 20-12. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vũ "nhôm" mong nhận được bản án thuyết phục
Bị cáo duy nhất kêu oan là Phan Văn Anh Vũ. Vũ bị truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với cáo buộc chiếm đoạt 200 tỉ của DAB.
VKS cho rằng Vũ "nhôm" bị truy tố khung hình phạt đến chung thân nhưng Vũ đã khắc phục xong khi tòa đang xét xử nên đề nghị phạt Vũ 15-17 năm tù. VKS đề nghị xem xét xử lý Vũ về hành vi vu khống khi trước tòa Vũ tố cáo kiểm sát viên lăng mạ Vũ và không cho Vũ đối chất nhưng vẫn phải ký vào biên bản. Ngoài ra, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét tình tiết Vũ có nhiều đóng góp cho xã hội...
Trong phần luận tội, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng thời gian gần đây TAND TP.HCM liên tục đưa ra xét xử các vụ án về tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, tòa đã xét xử 19 vụ án với 184 bị cáo về tội phạm lĩnh vực này.
Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng gây ra những tác hại vô cùng nghiêm trọng cho xã hội. Nhiều vụ án với hậu quả thiệt hại lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều tiết hoạt động tài chính, tín dụng của Chính phủ cũng như việc thực hiện các chính sách kinh tế của Nhà nước, gây mất lòng tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với hoạt động tín dụng ngân hàng.
Các đối tượng phạm tội chủ yếu chính là lãnh đạo giữ những vị trí cao nhất trong các ngân hàng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lôi kéo hoặc chỉ đạo cán bộ ngân hàng với sự tiếp tay của các đối tượng ngoài ngân hàng làm trái quy định pháp luật hoặc sử dụng các công ty sân sau của mình để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến và Trần Phương Bình. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vẫn theo VKS, Có nhiều trường hợp khi điều hành hoạt động kinh doanh thua lỗ thì lại tiếp tục thực hiện các thủ đoạn tinh vi lập chứng từ khống rút ruột ngân hàng, thực hiện các hành vi cố ý làm trái các quy định về Luật Kế toán, Luật Các tổ chức tín dụng, điều lệ ngân hàng... để che giấu hậu quả, dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng ngày càng trầm trọng.
"Việc đưa ra xét xử vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm, góp phần lành mạnh hóa hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng, củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đối với hoạt động ngân hàng" - đại diện VKS nhận định.