Một vụ va quẹt xe, hàng chục người đứng nhìn, ít ai giúp người bị nạn. Bắt người đàn ông nghi trộm chó, cả xóm trói, đánh ông ta đến chết. Gần đây nhất, cả một chiếc ô tô bị đốt rụi, hai phụ nữ bị đánh nhừ tử vì bị nghi ngờ thôi miên, bắt cóc trẻ con.
Ngày nay, sự phổ biến của mạng xã hội, tin tức lan truyền quá nhanh khi chưa được kiểm chứng đang điều khiển suy nghĩ, hành vi của người tiếp nhận một cách khó đoán định.
Những thông tin ấy một mặt giúp chúng ta cảnh giác hơn nhưng mặt khác khiến không gian cộng đồng trở nên u ám, cả một hệ thống pháp lý bị thách thức.
Hành vi ẩn danh, chối bỏ trách nhiệm
Thực tế những hành vi đám đông thường xuất phát từ một vài cá nhân cho rằng hành động của mình là đúng dù họ đang trong tình trạng tâm lý bị kích động. Số khác cho rằng hành vi của người khởi xướng là đúng và đáng được hỗ trợ. Đây cũng là cách để họ giải tỏa nhiều bức xúc dồn nén từ vô vàn thông tin thu nhận trước đó.
Khi hành vi của một vài người trở thành chân lý, những người khác xem việc chửi rủa, đánh đấm là chuyện phải làm “cho chừa”, “cho hả dạ”, “để lần sau không dám”… thì trong vô vàn cánh tay và lời nói thóa mạ ấy, khó có ai có thể phân định được ai đã đánh trọng thương, thậm chí gây thiệt mạng người bị tình nghi. Đó chính là đặc điểm ẩn danh trong hành vi của đám đông, vừa là nguyên do người ta không e ngại ra tay, vừa là thách thức thực sự cho cơ quan công quyền khi xác định cá nhân có lỗi để xử phạt.
Nhà tâm lý học xã hội Gustave Le Bon đã chỉ ra một số đặc trưng của tâm lý đám đông: Tính bốc đồng và dễ bị kích động, tính dễ bị gợi ý và nhẹ dạ, trí tưởng tượng có khi hoang đường và khó kiểm chứng, hành động cá nhân thiếu kiểm soát và khó có khả năng phân định với hành động trong điều kiện bình thường… Rõ ràng, những gì đã xảy ra trong những đám đông đã nêu trên phản ánh hầu như đầy đủ những đặc điểm này.
Đừng để đám đông mãi vô thức
Hiện tượng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như xã hội bất an, thông tin thiếu kiểm chứng lan truyền qua mạng xã hội, sự chậm trễ của cơ quan an ninh hay vai trò gốc rễ của giáo dục và kinh tế.
Những người sử dụng mạng xã hội cần ý thức trách nhiệm của việc chia sẻ trên trang cá nhân những thông tin thiếu kiểm chứng.
Sự chậm trễ trong xử lý hay thiếu phát ngôn kịp thời của cơ quan công an tại nơi diễn ra sự việc cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn, có khi vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề chính là thực trạng giáo dục ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân còn nhiều hạn chế. Một khía cạnh nào đó, bạo lực trong xã hội xuất phát từ các khiếm khuyết trong nền giáo dục.
Một đất nước văn minh không thể để những hành vi vô thức, coi thường pháp luật dẫn dắt đám đông trong cơn cuồng nộ. Nó chính là nỗi đau của những người phải hứng chịu hành vi đáng sợ đó, sự kỳ thị và làm xã hội bị tổn thương.
Tháng 7: Bảy vụ đánh hội đồng vì nghi bắt cóc • Ngày 5-7, hai người đàn ông đi xe máy biển số Hải Dương đến phường Quảng Phong, Ba Đồn (Quảng Bình) mời người dân phun thuốc diệt muỗi. Bị truy hỏi, hai người lảng tránh, bỏ đi khiến dân nghi ngờ, nhiều người xông vào hành hung cả hai. • Ngày 7-7, hai thanh niên đi nộp hồ sơ xin việc tại một nhà riêng ở thôn Lương Tân, Yên Phong, Bắc Ninh. Chủ nhà đi vắng, hai người nhờ cô con gái (bảy tuổi) đưa đến nơi cha làm việc. Hàng xóm thấy người lạ chở cháu bé sinh nghi bắt cóc, bao vây đánh đập rồi báo công an. • Ngày 13-7, một phụ nữ bán thuốc Bắc dạo bị vây đánh tại phường Nghi Thủy, Cửa Lò, Nghệ An. Nhiều người quay clip tung lên mạng, thêm thắt chi tiết người này bắt cóc hai đứa trẻ bỏ vào bao tải. • Ngày 15-7, tại thôn Văn Phú, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, một thanh niên (bị bệnh tâm thần) bị đám đông vây đánh, nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Người này chỉ biết chắp tay van xin nhưng vẫn không được tha. • Ngày 16-7, người dân thấy một phụ nữ bế một đứa trẻ ngủ mê man trên tay trong quán ăn tại Đà Nẵng. Nghi ngờ bé bị cho uống thuốc mê, nhiều người giằng co, đòi giữ bé lại. Công an sau đó xác minh người phụ nữ trên chính là mẹ ruột bé. • Ngày 20-7, một người đàn ông chạy ô tô Fortuner ghé mua đồ tại cửa hàng đồ gỗ ở xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương thì bị nghi ngờ có hành vi thôi miên, bắt cóc trẻ em. Người dân vây quanh đòi đánh rồi lật ngửa chiếc ô tô của ông, châm lửa thiêu rụi. • Ngày 22-7, hai phụ nữ đến thôn Thái Phù, Sóc Sơn, Hà Nội bán tăm gây quỹ tình thương thì bị hàng trăm người vây giữ, đánh đập dã man vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Các nạn nhân sau đó đều được công an xác minh không có hành vi bắt cóc trẻ em như nhiều người nghi ngờ. Tất cả vụ việc đang trong quá trình điều tra của công an. |
________________________
(*) Thạc sĩ xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM