Đánh thuế VAT hàng nhập khẩu giá trị nhỏ vẫn chưa đủ, cần 'mạnh tay' hơn

(PLO)- Doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng việc thu thuế VAT đối với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng nên được thực hiện ngay lập tức.

Ngày 30-10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ sẽ bỏ quy định 78/2010 về miễn thuế VAT với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu. Như vậy, các đơn hàng giá trị dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) sẽ phải đóng thuế.

Theo các doanh nghiệp nội địa, thông tin này là rất kịp thời, tạo sự cạnh tranh công bằng trong kinh doanh. Nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều nền tảng TMĐT giá rẻ nước ngoài đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam.

Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House:

Nên thu thuế ngay và luôn

Thu thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng khi nhập khẩu qua các nền tảng TMĐT là rất cần thiết. Việc này nên làm ngay và luôn. Đặc biệt phải thu ở tất cả các nền tảng TMĐT Shopee, TikTok Shop, Lazada chứ không riêng gì Temu, hay 1688…

Khi đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp nội địa, ngay cả khi Temu được phép hoạt động tại Việt Nam.

Ông Trần Lâm

Cùng đó, tôi cho rằng cần có thêm các cơ chế chính sách riêng cho các TMĐT xuyên biên giới về thuế, hải quan, nhất là kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa ngoại nhập của các nhà bán hàng nước ngoài.

Đồng thời có cơ chế về vốn, chính sách thuế, ưu đãi hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nội địa, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế, vốn là nhóm chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ông Đào Thế Vinh, Nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Midori:

Tạo cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp

Các nền tảng TMĐT giá rẻ như Temu, Shein, 1688... đang thực sự gây ra nhiều áp lực, đặc biệt là giá và thị phần đối với các nhà kinh doanh nội địa vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Nhất là với nền tảng Temu, khi mà sàn này hoạt động theo hình thức B2C (Doanh nghiệp với khách hàng) và họ dường như chỉ cho phép doanh nghiệp nội địa của họ kinh doanh trên đó.

Việc cơ quan nhà nước quản lý về thu thuế VAT hay các động thái về đánh giá mức độ ảnh hưởng và yêu cầu các sàn ngoại đăng ký hoạt động... thực sự là động thái vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Hàng dưới 200.000 đồng chiếm nửa doanh số thị trường TMĐT

Báo cáo toàn cảnh thị trường TMĐT Việt Nam của Metric.vn cho biết, quý III-2024, chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, những sản phẩm trên 1 triệu đồng chỉ chiếm 14% thị phần doanh số, trong khi năm ngoái, con số này là 22%.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Phó Ban truyền thông Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM):

Cơ hội gia tăng thương hiệu nội địa

Temu đang tạo cơn bão đổ bộ vào thị trường TMĐT Việt Nam với những quảng cáo siêu rẻ, cho người dùng "mua sắm như tỷ phú", giao nhanh 5 - 7 ngày, hay hoàn trả hàng trong vòng 90 ngày, chiết khấu chương trình tiếp thị liên kết lên đến 30%.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn

Dù vậy, phần đông người tiêu dùng đang có phản ứng tiêu cực. Nguyên nhân vì nhiều hàng hoá không như hình ảnh hiển thị, chất lượng chưa đúng kỳ vọng. Chưa kể chỉ có hình thức thanh toán online, không phải COD như thường lệ ở Việt Nam, để kiểm tra hàng hoá rồi mới thanh toán.

Việc này sẽ hình thành rào cản tự nhiên của thị trường đối với Temu. Nếu muốn tham gia thị trường Việt Nam, Temu phải có sự đầu tư, điều chỉnh phương pháp tiếp cận phù hợp với người tiêu dùng và pháp luật Việt Nam.

Hơn hết, từ rào cản tự nhiên nói trên, tôi cho rằng đây là cơ hội để hàng Việt nâng cao vị thế về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, mở thêm các đa kênh bán để thoát khỏi vòng xoáy cạnh tranh hàng giá rẻ trên sàn.

Tôi cũng cho rằng, việc quản lý kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt hàng hoá Trung Quốc bằng thủ tục, chính sách thuế, hoặc cấm không cho hoạt động nếu vi phạm pháp luật Việt Nam... là điều cần thiết. Từ đó, tạo một thị trường công minh hơn cho doanh nghiệp Việt phát triển.

Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu đánh giá rất kỹ lưỡng trước khi hành động. Bởi rất có thể sẽ ảnh hưởng tới việc Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc, nhất là ngành nông sản, hay nhập khẩu nguyên liệu.

Ông Bùi Đức Thiện, Nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Erosska:

Tận dụng TMĐT để bán ra các thị trường khác

góc độ kinh doanh ngành hàng thời trang, vốn chịu nhiều áp lực cạnh tranh đến từ nguồn hàng đến từ Trung Quốc, tôi thấy đây là sự hỗ trợ kịp thời và sát sao đến từ phía cơ quan nhà nước, tạo ra lợi thế cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp. Dù vậy, các doanh nghiệp nội địa cũng không nên chủ quan, bởi thuế chỉ là một phần của TMĐT.

Ông Bùi Đức Thiện.

Để doanh nghiệp nội địa có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài, thì bản thân phải nỗ lực cải tiến và không ngừng thay đổi, tận dụng lợi thế là am hiểu thị trường nước nhà. Chúng ta cũng cần phải nghĩ rằng TMĐT chỉ là một kênh phân phối để bán sản phẩm ra nước ngoài, từ đó tránh sự lệ thuộc.

Cùng đó, nếu như các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập vào thị trường Việt Nam thông qua các nền tảng TMĐT thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể làm điều ngược lại.

Hiện tại Erosska, cũng đang thông qua Shopee để kinh doanh ở các thị trường Malaysia, Singapore, và chuẩn bị tới đây là Thái Lan. Do đó, tôi cho rằng, sự chủ động và không ngừng sáng tạo là điều rất cần thiết, để phát triển bền vững.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM:

Đầu tư logistics thúc đẩy sự cạnh tranh

Để thúc đẩy hàng Việt, tạo sự cạnh tranh công bằng, theo tôi nhà nước cần xây dựng chính sách thuế theo hướng phân biệt giữa hàng nội địa và ngoại nhập.

Bên cạnh đó, việc đầu tư và hoàn thiện hạ tầng logistics rất quan trọng, bởi nó giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí, cải thiện tốc độ phân phối hàng. Từ đó có thể giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy kinh doanh và sự tiêu dùng của người dân hiện nay.

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại đề xuất phương án xử lý đối với những hình thức khuyến mãi không tuân thủ quy định của pháp luật đối với các nền tảng TMĐT.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Sở Công Thương rà soát trên địa bàn, theo đó nếu phát hiện vi phạm có quyền phạt trực tiếp các sàn TMĐT vi phạm.

Căn cứ theo mục 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì có rất nhiều hành vi vi phạm nếu Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam như mở app cho người Việt, kêu gọi chương trình affiliate chiết khấu tới 30%. Tùy thuộc vào hành vi, tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt với số tiền phạt hành chính lên đến 30 triệu đồng.

Trong trường hợp cụ thể, nếu Temu "không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định" là vi phạm điểm a khoản 4 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đây là mức phạt không đủ sức răn đe với gã khổng lồ Temu. Đồng thời, chủ thể bị vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung "Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng" và khắc phục hậu quả "Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp".

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, các hành vi vi phạm (nếu có) của Temu ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nhiều hơn là các chế tài vật chất.

Thạc sĩ - Luật sư Trần Minh Hiệp, Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc VECOM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới