Chuyện éo le ở làng cá Tân Thành, Cà Mau

(PLO)- Làng cá Tân Thành, tỉnh Cà Mau từ 3 năm qua dính vào một tình cảnh éo le, hàng chục ha ao nuôi cá của nông dân bỗng bị liệt vào đất trồng lúa. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-10, tại Hà Nội, "vua cá chình" Nguyễn Hữu Ánh đến từ làng cá Tân Thành, tỉnh Cà Mau vinh dự được đứng trong top 30 nông dân Việt Nam xuất sắc nhất năm 2024. Đây là lần thứ 3 ông đạt danh hiệu cao quý này, trước đó là năm 2017 và 2022.

Làng cá Tân Thành 2.jpg
Hệ thống ao cá đến hơn 6ha của ông Ánh ở làng cá Tân Thành bị đưa vào diện "đất trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt". Ảnh: TRẦN VŨ

Thế nhưng, tại địa phương của mình, ông và nhiều nông dân cùng nghề nuôi cá chình, cá bống tượng đang lâm vào cảnh trớ trêu. Hàng chục hecta ao nuôi cá của các ông bỗng dưng bị Nhà nước liệt vào diện "đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt".

Đưa ao cá trở về đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt

Làng cá Tân Thành là tên gọi dân gian đặt cho một vùng đất chuyên nuôi cá chình, cá bống tượng ở xã Tân Thành, thành phố Cà Mau từ trên 20 năm qua. Nơi đây nổi tiếng vì nuôi được cá bống tượng, cá chình bông mau lớn, thịt thơm ngon, được thực khách Đông, Tây ưa chuộng.

Làng cá Tân Thành 1.jpg
Ông Ánh có hơn 20 năm nuôi cá chình khẳng định vùng Tân Thành nuôi cá bống tượng hoặc cá chình có hiệu quả cao hơn 300 lần so trồng lúa. Ảnh: TRẦN VŨ

Tuy nhiên, Làng cá Tân Thành bị thu hẹp dần vì sự phát triển của đô thị. Những người nuôi cá dồn dần về phía ngoại ô, nhường đất cho các dự án đô thị, thương mại, khu dân cư... Từ năm 2016, dân Làng cá Tân Thành dồn về phát triển ở ấp 3, xã Tân Thành, trong đó có cả "Vua cá chình" Nguyễn Hữu Ánh.

Ông Ánh đã đào ao nuôi cá chình, cá bống tượng trên toàn bộ diện tích hơn 6ha. Ông còn thuê thêm một số thửa đất ruộng bỏ hoang gần đó để đào ao nuôi cá mở rộng quy mô. Nhiều nông dân khác cũng làm như ông, khiến diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả bỏ hoang nhiều năm ở ấp 3 teo dần, hệ thống ao nuôi cá chình, cá bống tượng nở rộ sau mỗi năm.

Thế nhưng, đến tháng 11-2022, UBND thành phố Cà Mau ban hành một Quyết định (Quyết định số 5127/QĐ-UBND, ngày 1-11-2022), phê duyệt kết quả xác định ranh giới đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt tại xã Tân Thành. Trong đó, xác định "cánh đồng 100 công" (tên cánh đồng) tại ấp 3 có hơn 61ha diện tích đất lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Éo le là tại thời điểm ban hành quyết định này, phần diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt hơn 61ha thì có tới 44,8ha diện tích đã là ao nuôi cá chình, cá bống tượng, hoặc đất bỏ hoang vì làm lúa không hiệu quả.

"Tôi đào ao nuôi cá từ năm 2019, nay Nhà nước mới xác định đất tôi thuộc diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt. Việc này thiệt khó cho tôi" - ông Nguyễn Hữu Ánh nói.

Nhiều nông dân khác cũng bắt đầu gặp cảnh bị chính quyền ngăn chặn việc đào ao nuôi cá, bị phạt hành chính vì đào ao trên đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt. Họ bắt đầu phản ứng đến chính quyền, rằng việc xác định ranh giới, diện tích đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt là không đúng với thực tế khách quan. Một số người so bì tại sao cũng là cùng thuộc khu vực đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt mà có người được nuôi cá, người thì không...

Sức ép đã đổ lên chính quyền địa phương và từ 3 năm qua, UBND xã Tân Thành đã nỗ lực tháo gỡ nhưng đều không có kết quả. Phần lớn diện tích ao nuôi ở Làng cá Tân Thành vẫn trong tình cảnh sử dụng đất sai mục đích. Nông dân vẫn lén đào ao, bị ngăn thì khiếu nại so bì, gửi đơn yêu cầu, kiến nghị nhiều nơi...

Nút thắt khó gỡ

Ngày 31-10-2024, trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Văn Thọ, Phó Chủ tịch xã Tân Thành, xác định UBND xã này đã từng có tờ trình, kiến nghị UBND thành phố Cà Mau xem xét giải quyết các yêu cầu kiến nghị của nông dân Làng cá Tân Thành. Tuy nhiên, UBND thành phố đã không đồng ý.

Làng cá Tân Thành 4.jpg
Một thửa đất trong diện đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt tại ấp 3, xã Tân Thành đang bị đào lên thành ao nuôi cá. Ảnh: TRẦN VŨ

Theo đó, tháng 11-2022, UBND thành phố có Quyết định xác định các khu vực đất lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt tại xã Tân Thành. Tháng 4-2023, sau các cuộc họp dân lấy ý kiến, UBND xã Tân Thành có tờ trình số 29 gửi UBND thành phố Cà Mau với nội dung có 44,8ha/61ha đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt tại ấp 3 thực tế là ao nuôi cá và ruộng bỏ hoang nhiều năm. Xét thực tế tại địa phương, xã kiến nghị cho nông dân ấp 3 được đào ao nuôi cá thêm 15,2ha trong khu vực đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt.

Ngày 24-4-2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Cà Mau có công văn phản hồi rằng không chấp nhận kiến nghị của xã Tân Thành, với lý do chính UBND xã đã xác định ranh giới diện tích đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt, nay lại xin cho dân được đào ao nuôi cá trên diện tích này là không có cơ sở.

Xã kiến nghị không thành, đến phiên dân làng cá Tân Thành tự mình kiến nghị. Ngày 1-8-2024, Chủ tịch thành phố Cà Mau có văn bản trả lời cho dân. Văn bản này giải thích chi tiết lý do từ chối các yêu cầu, kiến nghị của bà con ấp 3.

Đó là việc xác định ranh giới, diện tích đất lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt ở ấp 3 xã Tân Thành đã được thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Điều 5, Thông tư số 17/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Về "hướng dẫn xác định ranh giới, diện tích và xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa".

Theo lý giải từ Phó Chủ tịch xã Tân Thành, ông Phan Văn Thọ, khi xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, UBND xã Tân Thành làm đúng theo hướng dẫn tại Điều 5, Thông tư số 17/2014/TT-BTNMT. Đó là chỉ xác định dựa trên hồ sơ quản lý đất đai hiện có, không quy định khảo sát lại hiện trạng. Từ đó mới có việc hơn 50% đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt thực chất là ao cá, vườn cây.

Phía UBND thành phố Cà Mau, sau khi xác định xã Tân Thành đã xác định ranh giới, diện tích... đúng theo quy trình nên đã ban hành Quyết định phê duyệt ranh giới, diện tích đất trồng lúa của xã. Và theo Chủ tịch thành phố Cà Mau, toàn bộ quy trình đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành nên không có cơ sở chấp nhận kiến nghị của xã cũng như của các hộ dân ở ấp 3.

Làng cá Tân Thành 3.jpg
Cả căn nhà và các ao nuôi cá quanh nhà này (ấp 3, xã Tân Thành) cũng đang là đất trồng lúa diện cần bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: TRẦN VŨ

Giữa tháng 7-2024, tại kỳ họp thứ 14, HĐND khoá X tỉnh Cà Mau, câu chuyện éo le trên được trả lời rằng, diện tích đất trồng lúa hiện nay trên địa bàn thành phố Cà Mau là đã đúng theo chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022.

Tuy nhiên, HĐND tỉnh cũng đã mở đường gỡ câu chuyện éo le ở ấp 3, xã Tân Thành. Đó là HĐND tỉnh xác định hiện nay có một số khu vực trồng lúa không hiệu quả, cần điều chỉnh để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất.

HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan chức năng khảo sát đánh giá diện tích đất lúa kém hiệu quả cần chuyển mục đích. Từ cơ sở đó, UBND tỉnh lập hồ sơ trình Trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất.

Rõ ràng đó là một quy trình phức tạp, cần tốn nhiều công sức và thời gian không thể nhanh chóng được. Xem ra, làng cá Tân Thành còn phải tiếp tục trong cảnh éo le này thêm một thời gian.

Vua cá chình Nguyễn Hữu Ánh khẳng định: Tại xã Tân Thành này, làm ruộng chỉ có nghèo thêm thôi. Thực tế nuôi 1 ao cá chình diện tích 1.000m2, tôi thu hoạch một vụ vừa rồi được 750 triệu đồng. Trừ chi phí tôi cũng còn được 500 triệu đồng, mua lúa sẽ được 5.000 giạ lúa, nếu giá lúa 100.000 đồng/giạ.

Còn 1 công ruộng (cũng 1.000m2) của nông dân ở xứ này, làm 2 vụ được tối đa là 30 giạ lúa/năm, trừ chi phí còn lãi được 15 giạ lúa. Hiệu quả từ nuôi cá cao gấp trăm lần trồng lúa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm