Sinh ra thuộc đẳng cấp “tiện dân” Dalit của Ấn Độ, cậu bé Mahanandia bị dân làng của mình xa lánh - thậm chí còn bị buộc phải ngồi bên ngoài phòng học. "Tôi còn thua những con chó và con bò" - ông nói với CNN.
"Lúc trông thấy tôi đi gần chùa, mọi người bắt đầu ném đá. Những điều đó tôi không bao giờ quên" - ông xúc động nhớ lại những năm tháng đau đớn.
Một ngày nọ, cậu bé Mahanandia mới chín tuổi được phép ngồi ở phía sau lớp học - nhưng không được chạm vào bất cứ ai vì như thế là "dơ bẩn". Một thanh tra trường học người Anh và vợ của ông đã đến thăm.
Chàng họa sĩ Ấn Độ Mahanandia hành nghề vẽ chân dung để kiếm sống trong cuộc hành trình vĩ đại của mình.
Sau khi chào đón theo cung cách hoàng gia, thanh tra đưa vòng hoa của mình cho một cô gái ở phía trước. Vợ ông đi ra phía sau và đưa vòng hoa cho Mahanandia. "Bà ấy có thể thấy tôi là một kẻ ngoài lề" - anh nhớ lại. "Bà chạm vào đầu tôi và nói: "Cậu có mái tóc xoăn thật đáng yêu!"".
"Tôi rất vui mừng đến rơi nước mắt. Lời nói của bà ấy như đã thắp lên chút ánh sáng trong hang động tối tăm” - Mahanandia tự hào đưa vòng hoa về nhà và nói với mẹ: “Mẹ ơi, con đang yêu vợ của thanh tra trường học”.
Người mẹ tiên đoán số phận con trai bằng một lá tử vi, bà nói rằng anh sẽ kết hôn với “một phụ nữ da trắng, từ một vùng đất xa xôi”. Người vợ tương lai thuộc cung Kim Ngưu, biết chơi nhạc cụ và sở hữu một khu rừng, theo lời tiên tri.
Duyên phận mỉm cười
Thời gian thấm thoát trôi qua, năm 1975, Mahanandia đã 26 tuổi, một sinh viên nghệ thuật rỗng túi ở Delhi, thường bị buộc phải ngủ ở bến xe, trạm điện thoại.
Dựa vào tài năng sẵn có, Mahannandia bắt đầu gầy dựng tên tuổi của mình. Anh vẽ chân dung của các chính trị gia và người nổi tiếng - bao gồm Valentina Tereshkova, nữ du hành vũ trụ đầu tiên của thế giới.
Thậm chí anh được cấp phép để vẽ tranh chân dung ở quảng trường trung tâm của New Delhi, Connaught Place.
Thời son trẻ của cả hai.
Ở đó ông gặp Von Schedvin, 20 tuổi, một nữ du khách với “niềm khao khát tìm hiểu về Ấn Độ". Cô đã lái xe với bạn bè từ Thụy Điển sang Ấn Độ; 22 ngày trong một chiếc xe tải nhỏ trên xa lộ văn hóa Hippie nổi tiếng.
Von Schedvin là một phụ nữ trẻ đẹp với mái tóc vàng và đôi mắt xanh thẳm, xuất thân từ tầng lớp quý tộc Thụy Điển, bị ám ảnh bởi văn hóa Ấn Độ thông qua bộ phim Tất Đạt Đa âm nhạc của Ravi Shankar và George Harrison.
May mắn cho cả hai, chân dung vẽ Von Schedvin của Mahanandia tại quảng trường ngày hôm đó không phô bày hết khả năng của anh. "Có một chút run rẩy!" - cô ấy nói - "Chúng tôi nói với nhau rằng sẽ quay lại ngày hôm sau".
Lần đầu tiên, đêm đó Mahanandia nói rằng ông đã cầu nguyện cho thần voi Ganesh. Anh muốn Von Schedvin trở lại để anh có thể hỏi liệu cô ấy có phải là một Kim Ngưu hay không.
"Khi tôi nhìn thấy cô ấy tại đèn giao thông, tôi đã rất lo lắng” - ông nói. Và niềm hy vọng của Mahanandia được đáp lại. Schedvin là một Kim Ngưu. Cô còn chơi piano. Tổ tiên Von Schedvin được sở hữu một phần rừng sau khi giúp vua Thụy Điển trong những năm 1700.
Mahanandia nói: "Tất cả do trời định đoạt, chúng tôi được sắp đặt để gặp nhau. Cô ấy đã bị sốc!". Tin tưởng vào bản năng của mình, Von Schedvin theo Mahanandia gặp cha ở Orissa, nơi mà các cặp vợ chồng nhận được phước lành của bộ lạc.
"Tôi không hề suy nghĩ, tôi chỉ đi theo trái tim của mình" - cô nói. "Khi tôi bên cạnh cô ấy, tôi cảm thấy mình còn cao hơn cả bầu trời" - Mahanandia nói. "Tôi không còn là một kẻ bị ruồng bỏ. Tình yêu đã thay đổi bản thân tôi từ bên trong".
Tình yêu vượt khoảng cách 3.600 km
Chỉ sau một tháng bên nhau, Von Schedvin trở về Thụy Điển. Mahanandia, người còn một năm cuối tại trường nghệ thuật, ở lại Ấn Độ.
Nhưng thời gian xa cách chỉ củng cố quyết tâm gặp lại người yêu của Mahanandia, vào tháng 1-1977, ông viết cho Von Schedvin nói về kế hoạch đạp xe đến Thụy Điển và cưới cô làm vợ. Vào thời điểm đó, chỉ có Maharaja (hoàng tử) mới đủ khả năng mua vé máy bay đến Thụy Điển, Mahanandia cho biết.
Cặp đôi giữ liên lạc qua những cánh thư.
Nổi tiếng từ giữa thập niên 1960 đến cuối những năm 1970, đường mòn Hippie kéo dài từ Ấn Độ qua Pakistan, Afghanistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Tư cũ sang châu Âu. Vào thời điểm đó, du khách không cần phải xin visa, khu vực an toàn và ổn định. Xe buýt du lịch đầy màu sắc thường xuyên rời bánh từ London đến Goa.
Mahanandia đạp xe rời Delhi chỉ với 80 USD. Dù vậy, anh đã đến Thụy Điển với hơn 800 USD tiền dành dụm từ nghề vẽ chân dung.
Mặc dù có một số ngày anh đạp xe đến 70 km, chàng họa sĩ thừa nhận anh có thể nhờ quá giang bất cứ nơi nào - thậm chí anh còn được tặng một vé xe lửa đi từ Istanbul đến Vienna.
Cuối cùng anh đến Boras, quê hương của Schedvin hôm 28-5-1977, xuyên qua tám nước và mất hơn bốn tháng sau khi khởi hành.
Mặc dù một số người bạn của cả hai nghĩ rằng mối tình lãng mạn của hai người sẽ không kéo dài, cặp vợ chồng đã chung sống 40 năm ở Thụy Điển. Họ có hai con, Sid và Emelie.
Cái kết có hậu cho một “tiện dân”
Cùng với sự nghiệp giảng dạy âm nhạc của Von Schedvin và tài hội họa của Mahanandia, cặp đôi này đã cùng làm việc để thúc đẩy nghệ thuật bản địa và trao học bổng văn hóa đến tầng lớp "tiện dân" Dalit - giai cấp bị khinh thường nhất trong xã hội Ấn Độ.
Cặp vợ chồng đã chung sống hạnh phúc suốt 40 năm.
Hai năm trước Mahanandia đã được trao bằng tiến sĩ danh dự của trường đại học tại tiểu bang của ông. Vào năm 2005 ông được đề cử giải Nobel Hòa bình.
Khi lũ lụt khiến các nghệ sĩ không thể về thăm ngôi làng của mình vào năm 1997, chính quyền địa phương bố trí một máy bay trực thăng cho riêng ông. "Tôi đã hạ cánh trên sân bóng đá tại trường học cũ của tôi" - ông nói và mỉm cười.
"Tình yêu đã cho tôi sức mạnh để tha thứ cho những người từng ném đá vào tôi. Họ cần được giáo dục. Tôi rất vui vì câu chuyện của chúng tôi đem lại cho mọi người hy vọng".