Đất nước cần có một thế hệ doanh nhân hùng mạnh

Trăn trở giấc mơ, trách nhiệm gánh vác

Thủ tướng sau khi điểm qua các đánh giá tích cực của các định chế quốc tế cũng khẳng định: Hiện chúng ta đã có hàng triệu doanh nhân đang điều hành gần 750.000 doanh nghiệp (DN) và 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người dân, đóng thuế cho Nhà nước và tham gia giải quyết vấn đề xã hội, làm việc không ngừng nghỉ 24/7. Có khi ngay cả trong mơ họ cũng trăn trở về bài toán kinh doanh, về thương trường, về trách nhiệm lớn lao phải gánh vác.

Theo Thủ tướng, những ngày qua, trung ương đã thảo luận về chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đó là thời điểm hệ trọng, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Thủ tướng đề cập đến mục tiêu Việt Nam phải trở thành nước phát triển có thu nhập cao, có thể chế và năng lực cạnh tranh vượt trội, nằm trong nhóm các nền kinh tế dẫn đầu khu vực ASEAN và châu Á.

Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước ta sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế, vươn tới những chuẩn mực hàng đầu trong khu vực và thế giới để tạo môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển nhanh và bền vững của DN và doanh nhân. “Trong thành công của DN có đóng góp của chính quyền và trong thất bại của DN có trách nhiệm của chính quyền. Thành công của DN, của doanh nhân là thành công của Chính phủ, của nhân dân và của đất nước” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nhân chung tay với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách thể chế pháp luật, hoàn thiện môi trường kinh doanh, đồng thời phấn đấu tự nâng cấp mình, vươn tới những chuẩn mực toàn cầu. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nhân phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Chúng ta cần có hàng trăm, hàng ngàn và cả một thế hệ các doanh nhân và các nhà công nghiệp dân tộc hùng mạnh, những con sếu đầu đàn và chúng ta cần có cả “đàn chim Việt” bay cao, bay xa trong nền kinh tế toàn cầu” - Thủ tướng nói.

“Ăn không ngon, ngủ không yên”

Trước đó, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, coi ngày 13-10 năm nay là sinh nhật lần thứ 15 của giới doanh nhân. “Nói là sinh nhật bởi suốt trong một thời gian dài lịch sử, doanh nhân Việt Nam chưa bao giờ được coi là một đội ngũ, thậm chí chữ “doanh nhân” đã từng không có trong từ điển tiếng Việt. Doanh nhân trong mắt xã hội đọng lại hình ảnh con buôn trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung” - ông Lộc nói.

Đến Đại hội Đảng lần thứ VI bắt đầu mở đường cho doanh nhân và năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã ký quyết định lấy ngày 13-10 là ngày Doanh nhân Việt Nam.

Còn từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, theo ông Lộc, Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn trăn trở cùng DN, đã có những nỗ lực toàn diện tạo hệ sinh thái và môi trường thuận lợi cho cộng đồng DN.

Từ cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 4-2016, đến nay thông điệp “Chính phủ đồng hành cùng DN” luôn được nhấn mạnh và kiên trì. Đó là một sự hậu thuẫn lớn cho cộng đồng DN vượt qua các thách thức.

“Có những doanh nhân “ăn không ngon, ngủ không yên” và đã không còn nhiều thời gian bên gia đình và đó là sự hy sinh rất lớn. Họ vì nước, vì công ăn việc làm của hàng vạn con người… Bảo vệ doanh nhân là bảo vệ sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” - ông Lộc khẳng định.

Tại buổi lễ, 100 doanh nhân là lãnh đạo các DN tiêu biểu được trao tặng Cúp Thánh Gióng năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới