Ngày 1-10, Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư 10/2014 hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp (DN) phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Những hướng dẫn về cách đặt tên trong Thông tư 10 này không phải là mới khi các nội dung đã được quy định tại Điều 32.3 Luật DN 2005 và Điều 14.3 Nghị định 43/2010 về đăng ký DN trước đó.
Thông tư 10 làm bùng phát trở lại những tranh luận về cách đặt tên DN vốn đã âm ỉ từ thời điểm Luật DN 2005 được ban hành.
Đối tượng áp dụng chưa rõ ràng
Khoản 2 điều 1 (sau đây viết tắt là điều 1.2) Thông tư 10 quy định sẽ “áp dụng với các tổ chức, cá nhân đăng ký DN và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Đối tượng điều chỉnh theo quy định này là rất rộng, bao gồm các cá nhân, tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện đăng ký kinh doanh: đăng ký thành lập mới DN, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, phạm vi của các đối tượng điều chỉnh theo Điều 1.2 Thông tư 10 đã bị thu hẹp lại bởi chính Điều 4.1 khi quy định rằng chỉ có “tổ chức, cá nhân khi đăng ký thành lập DN có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại thông tư này”. Nghĩa là chỉ phải tuân theo quy định này khi đăng ký thành lập mới DN. Vậy liệu khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, ví dụ như đổi tên DN, DN có cần phải tuân thủ điều này hay không?
Đăng ký mới DN có thể bị từ chối vì lý do sử dụng tên danh nhân. Ảnh minh họa: HTD
Những trường hợp đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc chưa được quy định tại Luật DN 2005 và Nghị định 43 thì nay được bổ sung tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư 10. Từ những tranh cãi đã có trước khi Thông tư 10 được ban hành, người dân, DN và thậm chí là cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh kỳ vọng rằng sẽ có những hướng dẫn rõ ràng hơn của Bộ VH-TT&DL về cách đặt tên DN. Song, những hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL trong Thông tư 10 lại rất mơ hồ, khó áp dụng và xác định trên thực tế.
Điều 2 và Điều 3 Thông tư 10 đã liệt kê những trường hợp đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ví dụ như sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược, tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; hoặc là sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới tính… Thông tư 10 lại không đưa ra bất kỳ khái niệm nào về “danh nhân”, “nhân vật lịch sử” và cũng không đưa ra được danh sách danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh hay từ ngữ, ký hiệu được coi là vi phạm để DN và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có cơ sở đối chiếu và tuân thủ. Điều này có thể gây ra sự lúng túng cho DN lẫn cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh. Ví dụ như hồ sơ đăng ký thành lập mới DN có thể bị từ chối tùy tiện vì lý do sử dụng tên danh nhân trong khi chưa có bất kỳ danh sách danh nhân nào để xác định.
Có xử lý được những trường hợp vi phạm không?
Điều 4.2 Thông tư 10 quy định: “Thanh tra chuyên ngành VH-TT&DL; tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định trên, thanh tra chuyên ngành VH-TT&DL chỉ có thể xử lý vi phạm khi “sự đã rồi”, nghĩa là sau khi DN đã được thành lập bởi vì không có sự tham gia của cơ quan này vào quy trình đăng ký kinh doanh hiện nay. Khi đó, ngoài việc xử lý DN đã được thành lập có tên DN vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, thanh tra chuyên ngành VH-TT&DL còn phải xử lý cả cơ quan đăng ký kinh doanh vì đã chấp thuận tên đăng ký của DN. Theo Điều 16.3 Nghị định 43, cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của DN theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng.
Một vấn đề nữa là Thông tư 10 chưa có các quy định để rà soát và xử lý vi phạm nếu có đối với 53.1921 DN đăng ký thành lập mới trong chín tháng đầu năm 2014 trên toàn quốc chứ chưa tính đến số DN được thành lập mới sau khi Luật DN 2005 được ban hành. (Số liệu được trích dẫn từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại địa chỉ: http://dangkykinhdoanh.gov.vn)
Giả sử phát hiện ra trường hợp vi phạm, liệu DN đã đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc có bắt buộc phải đổi tên DN không khi Nghị định 43 chỉ hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên DN trùng, tên gây nhầm lẫn tại Điều 16 và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên DN vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp tại Điều 17.
Ví dụ, trường hợp tên DN vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp. Theo quy định tại Điều 14.3 Nghị định 43, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo yêu cầu DN xâm phạm đổi tên DN khi nhận được thông báo của chủ sở hữu công nghiệp về việc quyền sở hữu công nghiệp bị vi phạm.
Đối chiếu với trường hợp đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, thanh tra chuyên ngành VH-TT&DL; tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm sẽ căn cứ vào đâu để xác định tên DN vi phạm.
Vì vậy tính khả thi của Điều 4.2 Thông tư 10 dường như chưa được xem xét đến khi mà chưa đưa ra được một cơ chế phù hợp nào để xử lý DN đã được thành lập có tên DN vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc và đối với DN sắp được thành lập thì cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh chỉ biết “lúng túng” từ chối hồ sơ.
Chúng tôi đã gửi văn bản cho Bộ VH-TT&DL đề nghị nếu thông tư có hiệu lực thì cần làm rõ ai là danh nhân để áp dụng khi cấp phép. Bộ phải bổ sung phụ lục đính kèm gồm danh sách tên danh nhân, nhân vật lịch sử, tên đất nước trong các thời kỳ bị xâm lược, tên những nhân vật trong thời kỳ lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc. Bà TRẦN THỊ BÌNH MINH, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM (Theo Tuổi Trẻ) |