Đề xuất xây dựng khung pháp lý quản các sàn bán hàng online nước ngoài nhằm tránh thất thu thuế được đưa ra tại tọa đàm về chủ đề “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 11-8.
Quản sàn bán hàng “ngoại” không hiện diện tại Việt Nam
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay, pháp luật về thương mại điện tử (TMĐT) hiện đã quy định cụ thể mạng xã hội mà trên đó có cho phép các chủ thể khác thực hiện một phần hay toàn phần chu trình của hoạt động thương mại thì được coi là sàn giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc quản lý các đối tượng bán hàng trên các trang mạng xã hội nước ngoài hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được bà Hà chỉ ra là chưa có quy định yêu cầu bắt buộc các mạng xã hội phải có cơ chế phân loại tài khoản người dùng theo mục đích sử dụng là kinh doanh hay không kinh doanh. Và thời gian kết nối, phản hồi xử lý các vi phạm hành chính trong TMĐT của các mạng xã hội xuyên biên giới với cơ quan quản lý chức năng tại Việt Nam còn chậm.
Vì thế, bà Hà cho rằng giải pháp cần hoàn thiện pháp luật về quản lý TMĐT xuyên biên giới. Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định số 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung chế tài đối với các sàn giao dịch TMĐT không thực hiện trách nhiệm với người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra giữa người tiêu dùng và người bán nước ngoài.
Bộ Công Thương sẽ bổ sung chế tài đối với các sàn giao dịch TMĐT không thực hiện trách nhiệm với người tiêu dùng khi có tranh chấp với người bán nước ngoài. |
“Bộ Công Thương tham gia góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó bổ sung quy định thu thuế đối với các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam, nhằm chống thất thu thuế trong TMĐT”- bà Hà nói.
Hàng lậu "ẩn" trên sàn online xuyên biên giới
Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong công tác phòng, chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT.
Thứ nhất, đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua các sàn giao dịch TMĐT do đó gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm thì những đối tượng này lại thông đồng với nhau dưới các hình thức “gửi nhầm hàng”, “từ bỏ” nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Thứ hai, các vụ vi phạm liên quan đến giao dịch TMĐT thường liên quan đến yếu tố nước ngoài, phụ thuộc vào “sự thiện chí” hợp tác của cơ quan hải quan nước bạn. Thực tiễn nhiều vụ việc yêu cầu cơ quan hải quan nước bạn cung cấp thông tin nhưng không nhận được kết quả trả lời hoặc kết quả trả lời chung chung, không đúng yêu cầu.
Thứ ba, các giao dịch do các bên ký kết thông qua hình thức giao dịch điện tử các đối tượng vi phạm đã làm giả nhiều hồ sơ, chứng từ, tài liệu nên khó trong công tác giám định, đánh giá chứng cứ.
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. |
Ông Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Hiện Dự thảo đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành.
“Từ những phân tích trên nhận thấy Việt Nam cần thiết phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT”- ông Hải nhìn nhận.