Đấu giá cao rồi bỏ ​cọc: Chuyên ​gia nói gì?

Ngay những ngày đầu năm mới, sau Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Bình Minh, DN trúng đấu giá lô đất hơn 5.000 tỉ đồng ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM), cũng “bỏ của chạy lấy người” khi quyết định hủy hợp đồng, bỏ cọc đất vàng. Nhiều ý kiến cho rằng việc “hủy kèo” của các nhà đầu tư này là bất thường, không vì mong muốn đầu tư thật sự.

Đấu giá thật hay thổi giá để trục lợi?

“Không rõ nguyên nhân đằng sau của các công ty xin hủy hợp đồng trúng đấu giá, chấp nhận bỏ cọc hàng trăm tỉ đồng là gì nhưng thực tế thấy rõ họ đều bỏ giá rất cao so với giá khởi điểm. Thậm chí cao hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thị trường hiện tại. Mua giá quá cao thì tính hiệu quả không cao, từ đó các công ty này sẽ không thực hiện hợp đồng trúng đấu giá những lô đất này nữa” - đó là nhận định của chuyên gia kinh tế - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh liên quan đến sự kiện bỏ cọc của hai doanh nghiệp (DN) trên.

Ông Thịnh cho rằng lý do “hét” giá cao rồi bỏ cọc có thể là vì những công ty trúng đấu giá đã mua rất nhiều mảnh đất xung quanh khu vực có những lô đất vàng đem ra đấu giá trên. Sau đó, các DN này tìm cách đẩy giá lên để có khoảng thời gian bán ra thu lợi. Vì thế, các công ty sẽ nhảy vào đấu với mức giá thật cao, mục đích là “thổi” mặt bằng giá bất động sản (BĐS) khu vực đó. Khi đạt được mục đích, đủ khoảng thời gian để bán những mảnh đất đã ôm trước đó kiếm lời cả ngàn tỉ đồng, những công ty này hủy hợp đồng đấu giá, chấp nhận mất cọc trăm tỉ nhưng vẫn thu lợi.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tham gia đấu giá chỉ là thủ thuật để tăng giá đất nhằm trục lợi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Thịnh nêu thêm trường hợp các công ty vay ngân hàng, họ đấu giá đất với mức cao để được các ngân hàng giải ngân khoản vay cao hơn. Bên cạnh đó, lý do bỏ cọc còn có thể vì ngân hàng không dám cho vay, DN không có tiền mua nên đành hủy hợp đồng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, kết quả phiên đấu giá đất Thủ Thiêm có nhiều điểm bất thường. Ngoài giá đấu trúng quá cao thì sự vắng mặt những tập đoàn lớn trong lĩnh vực BĐS cũng không bình thường. Trong khi đó, những công ty tham gia trúng đấu giá đều ít tên tuổi. Hiện có hai công ty xin bỏ cọc, hai công ty còn lại vẫn chưa nộp tiền trúng đấu giá đợt 1 theo quy định. Đây cũng là điều không bình thường mà cơ quan quản lý cần làm rõ.

Luật sư Hậu cho rằng các công ty trúng đấu giá rồi xin bỏ cọc là không sai về quy định nhưng về mặt đạo đức kinh doanh thì cần xem lại. Các doanh nhân, DN Việt đang nỗ lực thiết lập một môi trường kinh doanh phát triển lành mạnh, vừa làm giàu cho bản thân vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước và có trách nhiệm cộng đồng.

Việc các công ty “hét” mua giá đất trên trời rồi không muốn mua thì bỏ cọc sẽ tạo ra một hệ lụy xấu đối với hoạt động tổ chức đấu giá đất của Nhà nước. Hệ lụy nữa là việc các công ty đẩy giá đất đấu giá sẽ khiến mặt bằng giá nhà đất bị kích hoạt leo thang, tạo bong bóng BĐS. Từ đó, TP khó phát triển nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá thấp. Bên cạnh đó, kết quả đấu giá cao bất thường ảnh hưởng đến thu hút nhà đầu tư, gây khó khó khăn công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cần trám các lỗ hổng pháp luật

Sau sự việc này, nhiều chuyên gia cho rằng các vấn đề phát sinh trong hoạt động đấu giá cần được giải quyết bằng việc trám những lỗ hổng pháp luật. Để không xảy ra tình trạng DN trúng đấu giá đất với mức giá cao rồi bỏ cọc dễ dàng, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải thay đổi quy định Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản thì mới giải quyết tận gốc. Ví dụ, cần quy định trường hợp công ty bỏ cọc thì sẽ bị trừ điểm khi đấu thầu, hoặc cấm công ty này tham gia đấu thầu, đấu giá trong 3-5 năm.

Là một nhà đầu tư, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho rằng việc trả giá cao ngất ngưởng các khu đất Thủ Thiêm đang khiến cho nhà đầu tư, chủ đất xung quanh vui mừng vì sắp được hưởng lợi do giá đất leo thang.

“Hiện nay, chỉ có giá sàn, giá khởi điểm mà không có giá trần, dẫn đến giá trúng đấu giá ngoài sức tưởng tượng của tất cả nhà đầu tư như chúng tôi. Việc trả giá cao bất thường như thế chính là phá giá, làm lũng đoạn thị trường. Đã đến lúc cần phải có cơ chế hoặc những quy định để kiểm soát giá trần” - ông Dũng nói.

Ông Dũng kiến nghị các nhà đầu tư nên xem xét nghiêm túc trong việc tính toán bài toán kinh tế trong các dự án, quỹ đất mà mình đang tham gia đầu tư. Bởi việc đẩy giá đất lên cao không chỉ làm ảnh hưởng đến thị trường mà còn tác động đến rất nhiều dự án xung quanh đang trong quá trình thẩm định giá, sử dụng giá của các dự án này để làm tham chiếu.

Có tình trạng quân xanh, quân đỏ làm sai lệch kết quả đấu giá

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết vừa qua, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xử nghiêm những vi phạm pháp luật về đấu giá, yếu tố trục lợi trong đấu giá. Vẫn có tình trạng quân xanh, quân đỏ lộng hành dìm giá làm sai lệch kết quả đấu giá, gây thất thoát thu ngân sách, ảnh hưởng quyền lợi người tham gia đấu giá. Có tình trạng thông đồng, làm lộ thông tin người tham giá đấu giá trước phiên đấu giá, xã hội đen đe dọa người tham gia đấu giá, ép họ phải rút hồ sơ.

“Để chấn chỉnh hoạt động đấu giá, các bộ như Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp phải tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về đấu giá và xử nghiêm các trường hợp trục lợi. Ngoài ra, các bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật thống nhất về trình tự thủ tục đấu giá. Bổ sung quy định số tiền đặt cọc trước khi tham gia đấu giá cao hơn như phải đặt cọc 60% giá trị khởi điểm bán đấu giá lô đất” - ông Hậu góp ý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm