Tại diễn đàn kết nối nông sản, sản phẩm chế biến vào thị trường TP.HCM do Sở Công Thương TP.HCM phối Sở Công Thương tỉnh Long An tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết: thị trường chia ba loại gồm thanh long chất lượng, thanh long bán nội địa và thanh long dạt.
Ngoài ra thị trường thanh long có loại giá khoảng chỉ 5.000 đồng/kg thuộc sản phẩm dạt và giá thu mua tại Long An khoảng 1.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Trịnh, do sản xuất thanh long nghịch mùa nên các chi phí điện, vật tư nông nghiệp tăng cao, đặc biệt chi phí vận chuyển tàu biển cao gấp 5 lần so với trước đây. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất khoảng 35.000 đồng/kg nhưng hiện nay tại thị trường Trung Quốc giá thanh long chỉ 25.000 đồng/kg.
Năm ngoái, thanh long nghịch vụ giá 30.000 đồng/kg. Cách đây hơn một tuần tại Trung Quốc giá thanh long 50.000 đồng/kg, thương lái mua giá 20.000 đồng cộng chi phí... bán có thể có lời.
Tuy nhiên, khi được mở biên trở lại, thanh long Việt Nam qua Trung Quốc trở thành hàng cũ và tràn qua nhiều đẩy giá thanh long tại thị trường này còn 25.000 đồng/kg. Song song đó, thương lái thấy giá bán qua Trung Quốc thấp nên không dám mua vì sợ lỗ và sợ rủi ro không biết hàng có qua TRung Quốc được hay không.
"Vì vậy vừa qua các thương lái đồng loạt bỏ cọc, ngưng thu mua, chấp nhận đền 3.000 đồng/kg cho người nông dân nên các kho đồng loạt đóng cửa. Thống kê sơ bộ của hiệp hội tại một số kho cho thấy có khoảng 5.000 tấn thanh long bị bỏ cọc và thương lái đền cho người nông dân tương đương khoảng 15 tỷ đồng", ông Trịnh kể.
Theo ông Trịnh, cơ quan nhà nước đang đàm phán để giải phóng lượng thanh long cũ đang tồn ở cửa khẩu biên giới. Tuy nhiên, lượng thanh long chuẩn bị xuất khẩu từ nay đến Tết của Long An còn hơn 30 ngàn tấn. Hiệp hội đang kêu gọi các siêu thị, các chợ đầu mối đồng hành cùng người dân Long An đang rất khó khăn.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết: một số sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm lúa gạo, chuối, thanh long, mít, xoài... vừa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc xuất khẩu khẩu những sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, nhất là thanh long.
“Sở kêu gọi sự hỗ trợ tiêu thụ của các hệ thống phân phối TP.HCM, các sàn TMĐT… Chúng tôi mong các đơn vị phân phối, chợ đầu mối TP.HCM đưa ra các tiêu chuẩn để giúp nông sản tiêu thụ thuận lợi và bền vững hơn. Sở cam kết đồng hành quá trình kết nối giữa các đơn vị đảm bảo hiệu quả”, ông Thanh nhấn mạnh.
Giá thanh long đang được hệ thống bán lẻ hiện đại TP.HCM bán 10.000 đồng/kg. ẢNH: TÚ UYÊN
Ông Nguyễn Viết Lam, đại diện Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền cho biết, hiện nay thanh long về chợ khoảng 18 tấn/đêm gồm hàng của Bình Thuận và Long An.
“Chúng tôi đến Long An mong muốn tìm nguồn thanh long với giá phù hợp để có thể cung cấp cho hệ thống bán lẻ Satra. Tuy nhiên, ở thị trường thanh long có giá 4.000-5.000 đồng/kg thật sự không biết nguồn gốc, chất lượng thế nào”, ông Lam thắc mắc.
Theo ông Lam, nếu công ty tìm được nguồn thanh long, khi vào siêu thị giá bán 4.000-5.000 đồng/kg không biết giá nhập vào bao nhiêu.
Đồng thời ông cho rằng, nếu có mặt bằng chung về giá sẽ hỗ trợ tốt cho các nhà bán lẻ vì kênh hiện đại sản phẩm đều đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng cần phải phân khúc rõ hàng loại 1, loại 2, loại 3. Từ đó, siêu thị dễ dàng giới thiệu với khách hàng, giúp người mua hiểu được vì sao thanh long của siêu thị có giá chênh lệch so với các kênh khác mới hỗ trợ tiêu thụ thuận lợi hơn…
Đồng quan điểm trên, ông Paul Lê, đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, chiến lược của tập đoàn mang đến những mặt hàng nông sản, trái cây chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Muốn vậy phải có sự kết nối từ người nông dân, họ phải cung cấp cho siêu thị sản phẩm tốt và rõ chất lượng. Chẳng hạn đó là loại một, loại hai, loại ba… để từ đó marketing, quảng bá hỗ trợ tiêu thụ tốt hơn.
Thanh long được khuyến mãi 12.500 đồng/kg tại cửa hàng tiện lợi Co.op Food. ẢNH: TÚ UYÊN