Theo dòng thời sự

Dấu hỏi từ những cú bắt tay trên đau khổ của dân

(PLO)- Nghị trường ngày 1-6 không chỉ ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mà còn vang lên những tiếng kêu về thực trạng không lấy gì làm vui vẻ.

Nghị trường ngày 1-6 không chỉ ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mà còn vang lên những tiếng kêu về thực trạng không lấy gì làm vui vẻ.

Chẳng hạn, đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kon Tum) nói về trục lợi trong chính sách phòng chống dịch COVID-19: “Có sự bắt tay câu kết, trục lợi này không? Nếu có thì sao lại có những bắt tay câu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch như vậy?”.

Còn ĐB Nguyễn Lân Hiếu thì mong lãnh đạo cấp cao, các ĐB “thấu hiểu và chia sẻ” phần nào khó khăn mà ngành y tế đang gặp phải, cả về tinh thần.

“Những con sâu đã bị gạt bỏ khỏi hệ thống. Nhưng những người ở lại rất hoang mang, loay hoay chưa tìm được đường đi. Đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai vì hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh” - ĐB Hiếu nói.

Những phát ngôn này được phát lên ở phòng họp Quốc hội, đúng thời điểm mà tin tức về một bác sĩ trưởng Khoa dược BV đa khoa Đồng Tháp tử vong nghi do tự tử, mà nguyên nhân được đoán định là sự trầm cảm do những áp lực công việc cũng như hoài nghi của xã hội với chính mình, gắn với vụ Việt Á.

Ai cũng hiểu “những cái bắt tay, câu kết trên đau khổ của người dân” mà ĐB Tám nêu ra không phải bây giờ mới có. Nhưng “quả bom Việt Á” như lời của ĐB Trịnh Xuân An ví von đang mang tính thời sự và là tiêu biểu cho thực trạng mà Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống tham nhũng đang mong muốn giải quyết tận gốc.

Ai cũng hiểu, những cán bộ CDC khắp nơi bị bắt vì vụ Việt Á, những quan chức, tướng tá vừa qua bị xộ khám trong nhiều vụ việc khác… sẽ không thể “bắt tay, câu kết trên đau khổ của nhân dân” nếu họ không ở trong một môi trường mà tham nhũng, tiêu cực dường như đã trở thành văn hóa.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tới đây tiếp tục được đẩy mạnh. Ban bí thư sẽ sớm ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của các ban chỉ đạo cấp tỉnh, như là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo Trung ương. Hệ thống các cơ quan nội chính Đảng sẽ bớt rời rạc, có tính chất ngành dọc hơn. Các vụ việc lớn bé ở cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được phát hiện, xử lý ngày càng nhiều, khắc phục phần nào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Các biện pháp chống tham nhũng quyết liệt đang và sẽ phát đi tín hiệu răn đe. Nhưng quan trọng hơn cả, phải là khắc phục những điều kiện, hoàn cảnh mà ở đó những gì hư hỏng cắm rễ.

Như lời của ĐB Huỳnh Thanh Phương, rồi phải khắc phục tình trạng “thu nhập chính từ lương hằng tháng hiện nay thấp, đã và đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức”.

Và như ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa, cần phải bảo vệ, vun xới những nhân tố tích cực trong hệ thống công vụ, bằng cách đó cô lập, thu hẹp dần những thành phần biến chất, hư hỏng. Có vậy mới ngăn chặn, không để xảy ra những Việt Á trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới