Trong một tuần lễ, êkíp các bác sĩ phẫu thuật Việt Nam (VN) nói chung và BV Việt Đức nói riêng đã lập được ba kỷ lục về ghép tạng lần đầu tiên tại VN. đó là lần đầu tiên BV thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của BV.
Rồi lần đầu tiên thực hiện lấy đồng thời sáu tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não. Các bác sĩ đã tiến hành ghép năm tạng cùng một thời điểm cho bốn bệnh nhân (một tim, hai phổi, hai gan, một thận). Tiếp nữa là lần đầu tiên kết hợp điều phối “xuyên Việt” một thận từ Hà Nội vào cho bệnh nhi tại BV Nhi đồng 2, TP.HCM.
Các bác sĩ phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân tại BV Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội. (Ảnh do BV cung cấp)
Nếu ai theo dõi ngành hiến tạng hẳn vẫn còn nhớ hơn một năm trước, GS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, Phó Giám đốc BV Việt Đức, từng trao đổi với báo giới về việc BV Việt Đức sẽ ghép phổi cho từ người chết não. Vẫn tưởng đó là câu chuyện của tương lai, nào ngờ vỏn vẹn hơn 300 ngày sau BV Việt Đức đã chính thức công bố, đưa hy vọng ghép phổi trở thành hiện thực ở chính nơi này.
Đó cũng chính là ca ghép lịch sử, đánh dấu bước phát triển của chuyên ngành ghép tạng ở VN, khi đây là lần đầu tiên việc ghép phổi từ người chết não được tiến hành do các bác sĩ người VN thực hiện.
Nhắc đến mầm mống của những thành công đạt được về ghép tạng hơn một năm qua, GS-TS Trịnh Hồng Sơn cho rằng nhận thức và quan niệm “chết toàn thây” đã bắt đầu thay đổi, nó thể hiện ở con số gần 20.000 người hiến tạng trong năm 2018.
“Rất nhiều người suy tạng ở giai đoạn cuối đã phải ra đi vì không có nguồn tạng thay thế. Thông điệp của những người làm về ghép tạng vẫn là “Cho đi là còn mãi” để người dân hiểu được ý nghĩa của việc hiến mô tạng. Nếu trong gia đình, bạn bè hoặc người thân chẳng may bị chết thì hãy tặng một phần cơ thể của mình để cứu người khác” - GS Trịnh Hồng Sơn nói.
GS Sơn cho rằng hiệu ứng từ câu chuyện của mẹ con bé Hải An (bảy tuổi, hiến giác mạc) đã thôi thúc nhiều gia đình, người thân của nhiều người đồng ý trao tặng lại một phần thân thể của họ cho những bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo có sức lan truyền mạnh mẽ.
Nói về tương lai của ngành ghép tạng VN, giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng cần khuyến khích mở rộng thêm nhiều trung tâm ghép tạng, nếu BV tuyến tỉnh nào có đủ ba yếu tố trên thì cần tạo điều kiện chứ không chỉ tập trung ở các đô thị lớn.
Nhìn lại dấu mốc ghép phổi và những kỷ lục ngành ghép tạng đạt được, PGS Nguyễn Tiến Quyết, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng thành công của ca ghép phổi hôm nay là kết quả của sự chuẩn bị hàng chục năm qua của các BV trong việc cử người đi học ở các nước, chuẩn bị cơ sở vật chất. “đồng thời, đây cũng là dấu mốc lịch sử đáng nhớ của ngành ghép tạng VN” - Thứ trưởng Quyết nói.