Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “TP.HCM đề xuất đầu tư thêm 160 nhà vệ sinh công cộng” về nội dung các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã đề xuất cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh công cộng hiện hữu và đầu tư thêm 160 nhà vệ sinh công cộng mới tại công viên, bến đò,…
Bình luận về bài viết, nhiều bạn đọc ủng hộ trước đề xuất của cơ quan chức năng về cải tạo và xây mới nhà VSCC. Đồng thời, bạn đọc đề nghị cần đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ nhằm tránh biến nhà VSCC thành “nỗi sợ hãi” đối với người dân và khách nước ngoài.
Nhà vệ sinh công cộng: Không cần đẹp nhưng phải sạch sẽ
Bạn đọc Ngọc Phương bình luận: “Không cần đẹp, sạch sẽ và tiền lợi là chúng tôi mừng lắm rồi. Ra đường gặp nhà vệ sinh, đó thực sự là điều mà không chỉ riêng tôi, nhiều người cũng đề mong muốn. Đây thực sự là điều cần thiết và cấp thiết. Tôi cũng mong mọi người sẽ có ý thức giữ gìn để nhà vệ sinh luôn mới và sạch đẹp”.
“Ngày nào tôi đi đường cũng bắt gặp một số người dừng xe bên đường rồi đi tiểu chỗ đất trống, hàng rào, trông rất mất thẩm mỹ. Phần nhiều do ý thức kém nhưng một phần là do thiếu nhà nhà vệ sinh công cộngnên họ đành tìm nơi vắng vẻ để giải quyết. Bây giờ, có thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng sẽ phần nào giảm thiểu tình trạng tiểu bậy” – bạn đọc Lê Ninh viết.
Bạn đọc Trần Ánh Thy chia sẻ: “Vài năm trước, khi đi chơi ở khu vực trung tâm thành phố, tôi từng ghé vào một nhà vệ sinh công cộng nhưng phải chạy vội ra vì mùi hôi sộc lên mũi, sàn nhà ướt nhẹp, thùng rác chất đầy nhưng không ai dọn. Tôi tin rằng không chỉ mình tôi mà những du khách khác cũng ‘bỏ của chạy lấy người’ khi nhìn thấy khung cảnh ấy. Theo tôi, nhà vệ sinh có thể không đẹp và hiện đại nhưng chắc chắn phải sạch sẽ và thơm tho. Hy vọng trong thời gian tới, nhà vệ sinh công cộng sẽ được tân trang và sửa sang lại để mọi người thoải mái sử dụng”.
Cần có người túc trực, dọn vệ sinh hàng ngày
Bạn đọc Tấn Nam góp ý: “Cải tạo, nâng cấp và xây thêm nhà vệ sinh công cộng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, muốn nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, thoáng mát thì cần bố trí nhân viên túc trực và dọn vệ sinh hàng ngày. Cơ quan chức năng có thể thí điểm thu phí vệ sinh để có nguồn kinh phí chi trả cho nhân viên”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Việt Nhã kiến nghị: “Do không ai trông coi, bảo vệ 24/7 nên một số nhà vệ sinh công cộng vô tình trở thành ‘nhà’ của người vô gia cư, họ vào ngủ nghỉ, ăn uống rồi bày biện đồ đạc lung tung. Một số tên trộm, biến thái còn lẻn vào trốn trong buồng vệ sinh để khi có cơ hội thì ra tay với nạn nhân. Tôi đề nghị mỗi nhà vệ sinh cần ít nhất một bác bảo vệ để trông coi, ngăn chặn những tệ nạn hoặc xử lý tình huống xấu có thể xảy ra”.
“Không phải nhà nhà vệ sinh công cộng nào cũng dơ, hôi thối, vẫn có những nhà vệ sinh sạch đẹp nhờ được dọn dẹp thường xuyên. Tôi từng sử dụng nhà vệ sinh công cộngtại công viên Lê Văn Tám (quận 1) và cảm thấy rất hài lòng. Nhà vệ sinh sạch sẽ, có quạt và thông gió, sàn khô ráo, có giấy vệ sinh, xà phòng. Một cô lao công ngồi bên ngoài luôn hướng dẫn và nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh” – bạn đọc Vân Anh viết.