Ngày 28-5, tin từ Sở TN&MT Đà Nẵng cho hay, đơn vị vừa có báo cáo nhanh về lo ngại của Dawaco liên quan đến dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Lò đốt rác này nằm trên lưu vực sông Yên, là nguồn nước cấp cho TP Đà Nẵng.
Theo báo cáo, ngày 26-5, Sở TN&MT đã có buổi khảo sát thực tế tại địa điểm bãi rác thuộc xã Đại Hiệp. Bãi rác này hoạt động từ năm 2003, đến nay đã bắt đầu đóng bãi. Tại bãi có hạng mục thu gom nước rỉ rác. Vị trí của bãi rác cách lưu vực sông Yên khoảng 2 km đến 3 km.
Bãi rác xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam đã bắt đầu đóng cửa. Ảnh: TẤN VIỆT
Tại Kết luận 26-KL/TUQN-TUĐN năm 2016 về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương Quảng Nam – Đà Nẵng có nêu: “Các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn phải được xem xét, hỏi ý kiến của hai địa phương và các cơ quan trung ương có liên quan. Tăng cường kiểm tra công tác bảo bệ môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có nguồn thải vào hạ lưu sông”.
“Việc đầu tư dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Hiệp để thay thế cho bãi chôn lấp hiện hữu tại xã này sẽ góp phần giảm các tác động đối với môi trường khu vực và lưu vực sông. Công tác đóng cửa bãi rác hiện hữu và dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt chắc chắn đã có tính toán những tác động, rủi ro và có các giải pháp xử lý”, Sở TN&MT Đà Nẵng phân tích.
Trả lời báo chí trước đó, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết ngay từ khi chọn lựa vị trí cho Khu xử lý rác Đại Hiệp, địa phương đã khảo sát, đánh giá rất kỹ tác động đến môi trường. Hơn 15 năm qua, chưa có vấn đề gì về môi trường. Đến nay khi bãi rác đã đầy, tỉnh sẽ cho dừng hoạt động và tìm vị trí khác với công nghệ tiên tiến hơn.
Cụ thể, vị trí Nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa cách Khu xử lý rác Đại Hiệp 400 m về phía Tây, thuộc khu núi thấp, nơi người dân đang trồng keo có cao trình +162 m để kín gió và hạn chế lượng nước mưa đổ về nhà máy. Vị trí này cách nhà dân gần nhất thuộc xã Đại Nghĩa theo đường chim bay 1.100 m, cách nhà dân gần nhất thuộc xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) trên 4.000 m, trong khi quy chuẩn chỉ là 500 m.
Hội đồng khoa học do GS.TSKH Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) làm Chủ tịch đã thẩm định rất nghiêm túc công nghệ cùng vị trí xây dựng nhà máy, sau đó đã chỉnh sửa bổ sung và Sở TN&MT Quảng Nam thẩm định.
“Có thể khẳng định về cơ bản không có nước bẩn do hoạt động của nhà máy xả thải ra môi trường. Vậy thì lấy đâu ra nước đổ về sông Yên? Do đó, lo lắng của Dawaco là quá xa và không phù hợp với thực tế”, ông Thanh nói.
Trước đó, Dawaco có văn bản gửi HĐND, UBND TP Đà Nẵng bày tỏ lo lắng về những tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước cấp cho Đà Nẵng khi dự án lò đốt rác nói trên đi vào hoạt động.
Theo Dawaco, dự án lò đốt rác thải sinh hoạt có quy mô lớn (240 tấn/ngày), nằm trên lưu vực sông Yên, trong khi đây là nguồn cung cấp nước chính cho TP Đà Nẵng.
Vì thế, Dawaco đề nghị HĐND và UBND TP Đà Nẵng làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam để có hướng xử lý không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Yên.