Sáng 21-10, ngay sau phần phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XIV của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.
Đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm
Theo đó, trong năm 2019, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội. Trong đó, cơ bản bảo đảm nguồn vốn triển khai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, bảo đảm hoàn thành vào năm 2021 và các công trình sạt lở cấp bách. Tích cực chuẩn bị đầu tư một số công trình quan trọng khác kết nối vùng.
“Bên cạnh đó, Chính phủ chuẩn bị tích cực để sớm triển khai xây dựng các dự án trọng điểm như tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, thu phí tự động không dừng…” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong năm 2020, Chính phủ tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Phấn đấu trong năm 2020 hoàn thành dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan; cơ bản hoàn thành đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thông xe một số gói thầu của ba dự án đầu tư công thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông, lựa chọn được nhà đầu tư cho tám dự án thành phần còn lại.
Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc-Nam hiện nay có nhiều hồ sơ được bán ra cho các nhà đầu tư trong nước.
Trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao
Liên quan đến các dự án giao thông, Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp thực hiện nghị quyết QH về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7, QH khóa XIV. Theo đó, đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, ngày 11-7-2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định.
Theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014, thời gian thẩm định của hội đồng thẩm định nhà nước tối đa là 90 ngày kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ và thời gian Chính phủ trình đến cơ quan chủ trì thẩm tra của QH là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp QH. “Dự án này là một dự án phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, hội đồng phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra nên thời gian thẩm định sẽ phải kéo dài hơn. Dự kiến Chính phủ sẽ trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 5-2020...” - Chính phủ nêu rõ.
Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Chính phủ cho biết sau khi hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế, Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Bộ GTVT dự kiến mở thầu tháng 11-2019, hoàn thành công tác sơ tuyển nhà đầu tư trong tháng 2-2020. Tiếp đến, tháng 4-2020, phát hành hồ sơ mời thầu và hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 11-2020.
Theo tiến độ Chính phủ báo cáo QH tại kỳ họp tháng 10-2018, đến nay tiến độ của ba dự án đầu tư công cơ bản bảo đảm, riêng tám dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ phải kéo dài thêm khoảng ba tháng.
Xử lý dứt điểm các dự án dư luận quan tâm Bộ GTVT cũng thừa ủy quyền Chính phủ có báo cáo gửi QH về các kiến nghị của cử tri. Theo đó, đối với một số dự án có tính chất đặc thù như Cai Lậy, trạm T2, trạm quốc lộ 3 Thái Nguyên, Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương, báo cáo Chính phủ để có các giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ. Bộ GTVT đề nghị các địa phương, bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập tại các dự án BOT. Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc giám sát chặt chẽ doanh thu, hiện trạng công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại từng trạm thu phí, từ đó đưa ra các quyết định kịp thời, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt dự án xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ với kinh phí khoảng 12,845 tỉ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ và các nguồn hợp pháp khác. “Đến nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành kết nối dữ liệu thí điểm đối với ba trạm, các trạm còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 31-12-2019…” - Bộ GTVT cho biết. |